Ông Nguyễn Thanh Sơn (phố Linh Đường, Hoàng Mai), một người dân đến làm giấy tờ liên quan đến thẻ căn cước công dân tại công an quận Hoàng Mai cho biết, lần nào cũng trả 5.000 đồng phí gửi xe. “Tôi thấy nhiều người trả tiền nên cũng trả dù biết quy định là gửi xe miễn phí. Đến làm thủ tục chỉ mong nhanh chóng xong việc. Bảo vệ nói mất tiền gửi xe thì mình cứ đưa thôi chứ đôi co lại sinh lắm chuyện. Chấp nhận trả tiền để còn thời gian làm việc khác”, ông Sơn nói.
Với trường hợp người dân phải đến cơ quan chức năng liên tục thì việc này khá phiền toái và tốn kém. Chị Nguyễn Phương Thảo, kế toán một công ty trên địa bàn quận Đống Đa nói: “Có những đợt tôi phải đến các cơ quan để làm thủ tục, một ngày ra vào những điểm này 5-6 lần, mỗi lần 5.000 đồng, tính ra phí gửi xe đã gần bằng 1/5 ngày công, chưa kể xăng xe”.
Anh Nguyễn Văn Linh (Kiến Hưng, Hà Đông) đến làm việc tại Sở Tư pháp TP Hà Nội phải chi 5.000 đồng phí gửi xe cho bảo vệ đã bức xúc: “Số tiền giữ xe chẳng đáng là bao nhưng phát loa thông báo miễn phí mà nhân viên vẫn thu thì chẳng khác gì lừa dối người gửi xe. Gây mất niềm tin khi đến các cơ quan nhà nước”, anh Linh nói.
Luật sư Nguyễn Đức Biên, Cty Luật Hoàng Tín (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, hành vi thu phí người gửi phương tiện giao thông khi người dân đến giao dịch làm việc tại cơ quan nhà nước là vi phạm quy định quy chế công sở tại cơ quan nhà nước. Vi phạm quy định nên số tiền này chắc chắn không được nộp vào ngân sách mà sẽ do những đối tượng có hành vi trục lợi.
Hiện tại, pháp luật chưa quy định chế tài cụ thể để xử lý. Khi phát hiện hành vi vi phạm người dân nên tố cáo đến thủ trưởng cơ quan nơi xảy ra sự việc để yêu cầu chấm dứt ngay vi phạm. Trong trường hợp thủ trưởng cơ quan nơi xảy ra vi phạm không tiến hành xử lý, người dân có quyền tố cáo lên thủ trưởng cấp trên của cơ quan đó để yêu cầu xử lý. Đối với cơ quan nhà nước khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng thu phí trông giữ xe trái phép cần yêu cầu cá nhân có hành vi chấm dứt ngay việc vi phạm. Sau đó, xác minh làm rõ hành vi vi phạm để có hướng xử lý, nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì nhắc nhở, cảnh cáo hoặc kỷ luật, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, số tiền trục lợi lớn cần xem xét xử lý hình sự.
Theo luật sư Biên, Chính phủ ban hành quy định xử lý hành vi vi phạm các quy chế công sở tại cơ quan nhà nước nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân khi đến làm việc tại cơ quan nhà nước.