Quyết định 129/2007/QĐ -TTg của Thủ tướng quy định: “Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm bố trí khu vực để phương tiện giao thông của cán bộ công chức, viên chức và của người đến giao dịch làm việc. Không thu phí gửi phương tiện giao thông của người đến giao dịch làm việc”. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều cơ quan thu tiền giữ xe máy từ 3.000 - 5.000 đồng/lượt.
Công an, tòa án, tư pháp đều thu
Sáng 3/6, tại sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội trên đường Cát Linh (quận Đống Đa), sau khi nhận vé từ nhân viên bảo vệ, chúng tôi được hướng dẫn để xe máy trong khuôn viên, bên hông tòa nhà. Khi lấy xe, nhân viên thu 3.000 đồng. Theo quan sát của phóng viên, khách đi xe máy, liên hệ công việc tại sở này đều phải trả mức phí như vậy.
Tại Chi cục Thuế quận Đống Đa (185 Đặng Tiến Đông), người đến làm thủ tục thuế được giao vé và để xe ngay trước sảnh tòa nhà làm việc của chi cục này. Phí gửi xe tại đây cũng là 3.000 đồng/lượt. Trong giờ làm việc buổi sáng, chúng tôi ghi nhận hàng chục trường hợp khác phải nộp tiền. Cuối giờ trưa, một nhân viên bảo vệ thu dọn đồ đạc, người khác cố nán lại để thu tiền vài khách hàng giao dịch muộn. Quy trình diễn ra hằng ngày mà không có sự nhắc nhở nào.
Cổng sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hà Nội (75 Nguyễn Chí Thanh) đề biển trông xe miễn phí cho khách đến làm việc. Dù vậy, khi qua cổng bảo vệ, người dân đưa tiền vé xe, nhân viên tại đây không giải thích, thản nhiên nhận tiền và cho vào khay để ngay trước bốt trực (việc này, bất cứ khách, cán bộ hay lãnh đạo sở này đi qua đều có thể thấy - PV).
Không chỉ các đơn vị hành chính, nhiều cơ quan thực thi, bảo vệ pháp luật người dân đến liên hệ công việc cũng phải trả tiền trông xe. Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai (Ngõ 6 Bùi Huy Bích) nằm sát điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hộ khẩu, cấp thẻ căn cước công dân của Công an quận Hoàng Mai nên bảo vệ của tòa án nhận trông xe luôn cho hai cơ quan. Lúc 10h05 ngày 6/6, người dân đến liên hệ làm việc tại đây đông, hai nhân viên bảo vệ cùng một người đàn ông không mặc đồng phục liên tục thay nhau xé vé, thu tiền. Chỉ trong khoảng gần 1 tiếng, có hơn 20 lượt khách phải trả tiền.
Chín giờ sáng ngày 7/6, tại bộ phận đăng ký mô tô - xe máy, Công an quận Thanh Xuân (58 Vũ Trọng Phụng), hàng chục người dân đến liên hệ làm việc. Dù một cán bộ của cơ quan này khẳng định không thu phí trông xe của người dân, nhưng quan sát thực tế, nhiều người lấy xe ra đến cổng đều hỏi “bao nhiêu tiền” và một thanh niên không mặc đồng phục đáp cụt lủn: “ba nghìn”. Có người được bảo vệ nhắc khéo về việc trả tiền gửi xe, còn lại đa số khách hàng không hỏi, “tự nguyện” đưa tiền. Người dân đến làm việc dù là 5 - 10 phút hay lâu hơn đều phải trả mức này.
Gần cuối giờ trưa ngày 7/6, loa phát thanh của Sở Tư pháp TP Hà Nội (221 Trần Phú, Hà Đông) liên tục phát thông tin, khách hàng đến làm việc được miễn phí gửi xe. Dù vậy người dân đều móc ví gửi tiền trông xe, nhân viên bảo vệ vô tư nhận. Mỗi lượt ra vào, khách hàng thường phải trả 5.000 đồng/xe. “Chúng tôi đặt câu hỏi sao dân vào cơ quan nhà nước gửi xe lại phải trả tiền?”, người này đáp: “Gửi xe miễn phí không thu tiền, ai muốn cho bao nhiêu thì cho”. Với những người biết luật, quyết không trả tiền, nhân viên bảo vệ đành phải chấp nhận, nhưng tỏ thái độ bực bội.
Không hóa đơn, tiền chạy vào túi ai?
Dù thu tiền lẻ nhưng số tiền trông gửi xe thu được ở các công sở cũng không nhỏ. Tại điểm trông xe của Tòa án Nhân dân và Công an quận Hoàng Mai, theo ước lượng của chúng tôi, trong buổi sáng ngày 6/6, bảo vệ tại đây thu được 300 nghìn - 400 nghìn đồng. Như vậy, mỗi ngày trung bình nơi đây thu được khoảng 600 - 800 nghìn đồng, mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.
Vậy số tiền đó đi đâu, dùng vào việc gì? Qua các tấm vé và quy trình thu tiền cho thấy, số tiền trông giữ xe chắc chắn không được đưa vào ngân sách và tất nhiên không phải tính thuế. Vé gửi xe của Tòa án Nhân dân và Công an quận Hoàng Mai nêu trên chỉ là một mẩu giấy nhỏ được phô tô, có in tên của Tòa án Nhân dân, ngày tháng và chỗ ghi biển số xe. Trong khi đó, thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của Bộ Tài chính quy định, vé gửi xe phải có các thông tin như mã số thuế bên cung cấp sản phẩm, số quyết định in vé, số thứ tự của vé, giá trông giữ xe … để tính doanh thu, tính thuế.
Vé gửi xe của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng chỉ có con dấu của Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoàng Phát và chỗ trống để ghi biển số xe, thời gian, địa điểm mức phí thì không được ghi.
Tại sở Lao động Thương binh và Xã hội, không chỉ thu tiền của người đến làm việc, bảo vệ của sở này còn nhận trông xe cho nhà hàng cạnh đó. 15h55 ngày 5/6, một người đàn ông lái ô tô 7 chỗ tiến về phía cổng, nhân viên bảo vệ hỏi han, người đàn ông cho biết là khách vào nhà hàng Phố Núi có nhu cầu gửi xe. Nhân viên bảo vệ nhanh chóng cho khách hàng đánh xe vào. Cẩn thận hơn, bảo vệ của sở còn phóng xe máy đi theo, chỉ dẫn người đàn ông chỗ đỗ ô tô.
Tại công an quận Thanh Xuân, chiếc vé gửi xe chỉ là tấm giấy màu xanh, được ép plastic, đánh số thứ tự, không ghi mức phí. Tuy nhiên, như đã nêu, bảo vệ cơ quan này công khai lấy tiền của người dân đến làm việc.
Vé gửi xe của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng chỉ có con dấu của Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Hoàng Phát và chỗ trống để ghi biển số xe, thời gian, địa điểm mức phí thì không được ghi.