Phát hiện nhiều bất thường chi hỗ trợ đợt 3 tại TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Người dân quận Phú Nhuận (TPHCM) nhận tiền hỗ trợ khó khăn đợt 3
Người dân quận Phú Nhuận (TPHCM) nhận tiền hỗ trợ khó khăn đợt 3
TP - Sau khi phát hiện hơn 700 trường hợp “nhận nhầm” gói hỗ trợ (đợt 3) tại huyện Hóc Môn, từ đầu tháng 11, UBND TPHCM tổ chức 3 đoàn kiểm tra tại các địa phương và tiếp tục phát hiện có nhiều bất thường trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ dân gặp khó khăn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua.

Hàng loạt chữ ký… giống nhau

Tại quận Tân Bình, đoàn kiểm tra đã chất vấn một số phường về việc danh sách ký nhận các gói hỗ trợ xuất hiện loạt chữ ký giống nhau, thậm chí nhiều trường hợp người nhận tiền không ký mà chỉ…đánh dấu cộng. Cụ thể, trong danh sách ký nhận của phường 13 xuất hiện một loạt chữ ký giống nhau; một số danh sách của phường 1 không có chữ ký của người nhận tiền mà chỉ đánh dấu cộng.

Trả lời đoàn kiểm tra, đại diện UBND phường 13 lý giải nguyên nhân có loạt chữ ký giống nhau trong danh sách ký nhận hỗ trợ do những trường hợp được nhận hỗ trợ đang nhập viện hoặc đang ở khu phong tỏa. Có trường hợp phụ nữ đang nhập viện để sinh con… nên người nhà ký thay.

Trước đó, qua rà soát, đối chiếu, UBND huyện Hóc Môn phát hiện 713 trường hợp kê khai không chính xác khi nhận tiền hỗ trợ đợt 3. Nhiều trường hợp kê khai ở 2 nơi để nhận hỗ trợ 2 lần hoặc dùng chứng minh nhân dân cũ để khai báo ở nơi này nhưng dùng căn cước công dân khai báo ở nơi khác nhằm tránh bị phát hiện...

Về việc không ký mà chỉ “làm dấu” trong danh sách ký nhận, đại diện UBND phường 1 cho biết nguyên nhân là do nhiều đối tượng nhận hỗ trợ không biết chữ hoặc đang đi cách ly nên được người nhà nhận thay.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm (trưởng đoàn kiểm tra), với những danh sách ký nhận chưa rõ ràng địa phương phải làm văn bản chứ không phải lăn tay, viết thêm vào là đủ. Các phường liên quan cần xác minh, lập hồ sơ về những trường hợp ký thay, nhận thay để bổ sung vào hồ sơ về các gói hỗ trợ của quận. Địa phương phải thành lập đoàn công tác có cảnh sát khu vực, tổ dân phố, đại diện UBND phường xuống các hộ chưa ký, ký thay để xác minh, lập biên bản để làm rõ.

“Việc ký thay cũng phải lập hồ sơ. Quy định không cấm ký thay nhưng phải xác minh người ký là ai. Đề nghị Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Tân Bình làm việc với các địa phương có hồ sơ như vậy, tổ chức thực hiện và báo cáo lại. Mặt trận, các đoàn thể, UBND quận phải kiên quyết thu hồi những trường hợp chi sai đối tượng và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu trục lợi chính sách”, ông Lâm yêu cầu.

Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Lê Thị Thu Sương cho biết, trong đợt hỗ trợ lần 3, quận đã chi gần 306 tỷ đồng cho gần 306 nghìn người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (tỷ lệ 95,15%). Quá trình chi trả gói hỗ trợ đợt 3 gặp nhiều áp lực, đặc biệt là việc xác định người thật sự khó khăn.

Đăng ký tràn lan

Mới đây, báo cáo với đoàn kiểm tra của UBND TPHCM, Phó chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thị Kiều Nhi cho biết với tiêu chí hỗ trợ người dân mất thu nhập, không có việc làm, có hoàn cảnh thực sự khó khăn, các tổ dân phố đã gặp rất nhiều áp lực. Quận Phú Nhuận có không ít chung cư cao cấp nhưng cư dân yêu cầu hỗ trợ rất nhiều. Có nhiều người làm kinh doanh, tiếp viên hàng không... cũng nói đang gặp rất khó khăn.

Theo bà Nhi, nhiều trường hợp tổ dân phố lập danh sách đưa lên phường vẫn phải bình xét lại. Trong đợt 3, quận Phú Nhuận đã ngưng chi trả cho hơn 5.000 trường hợp đã được lập danh sách nhưng sau đó phát hiện người đăng ký vẫn đang hưởng lương hưu hoặc đã nhận hỗ trợ ở nơi khác...

Ngày 8/11, kiểm tra việc chi hỗ trợ tại quận 11, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận tiêu chí của đợt 3 “hỗ trợ người dân có hoàn cảnh thực sự khó khăn” là còn chung chung, định tính, gây khó khăn cho các địa phương và không tránh khỏi tình trạng nhiều trường hợp địa phương làm đúng quy định nhưng người dân vẫn cho rằng làm sai.

“Nhiều quận, huyện phản ảnh nhiều trường hợp không thuộc diện nhưng vẫn yêu cầu được hỗ trợ. Người dân thì nói người khác cũng như tôi, sao quận khác cho nhận hỗ trợ, còn tôi không được nhận. Nhưng cũng có những địa phương rơi vào tình huống ‘lỡ rồi’, giải quyết rộng tay cho một trường hợp thì dẫn đến rất nhiều người khác cũng làm theo. Du di một trường hợp sẽ thành một hàng, một khu phố”, ông Hoan lưu ý.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.