Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng và sự kiện này diễn ra vào ngày 20/7/1969. Vậy trên Trái Đất, loài sinh vật nào là “kẻ đầu tiên để lại dấu chân trên hành tinh xanh?” Đây là câu hỏi khiến các nhà khoa học phải đau đầu trong việc đi tìm lời giải suốt nhiều thập kỷ qua.
Thế nhưng mới đây, một phát hiện mới đã giúp các nhà khoa học có thêm hướng đi trong việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi sinh vật nào đã để lại dấu chân đầu tiên trên Trái Đất.
Cụ thể, khi tiến hành khai quật khu mỏ đá địa chất ở hẻm núi của sông Trường Giang thuộc miền Nam Trung Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện ra nhiều dấu chân của động vật có tuổi thọ được ước tính lên tới 551-541 triệu năm trước.
Điều này đồng nghĩa với việc, loài động vật để lại dấu chân này đã xuất hiện trên Trái Đất trước các loài khủng long hàng trăm triệu năm. Trước đó, nhờ vào các nghiên cứu về đồng vị phóng xạ, các nhà khoa học đã khẳng định các loài khủng long lần đầu tiên xuất hiện trên hành tinh xanh ở kỷ Tam Điệp, cách đây khoảng 231 triệu năm trước.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm về dấu chân của loài động vật này nhằm sớm tìm ra danh tính thực sự của nó. Tuy nhiên, họ cũng tiết lộ sơ lược rằng, đây là một loài động vật lưỡng cư sống trong kỷ Ediacaran và đây cũng có thể là sinh vật đầu tiên rời khỏi cuộc sống hoàn toàn dưới nước để bắt đầu tiến lên cạn sinh sống.