Phát hiện cơ sở sản xuất hàng trăm kg giò chả '3 không'

TPO - Ngày 8/5, Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) đã kiểm tra một số cơ sở sản xuất giò chả tại TPHCM.

Tại công ty TNHH sản xuất thương mại chả giò Hiền Khánh (số 35, đường số 17, KP.3, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận số lượng lớn sản phẩm giò chả sắp được đưa ra thị trường.

Theo chủ cơ sở, hàng ngày cung cấp ra thị trường từ 500-700 kg giò chả thành phẩm. Khi đoàn kiểm tra yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu gồm thịt, bột mỳ, bột năng, các loại gia vị…, chủ cơ sở đều không đưa ra được các hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ khai báo là mua ở chợ đầu mối. Bên cạnh đó, các dụng cụ dùng để chế biến giò chả như máy xay, khay, dao, nĩa… bày la liệt, cáu bẩn.

Phát hiện cơ sở sản xuất hàng trăm kg giò chả '3 không' ảnh 1

Chủ cơ sở chưa đưa ra được giấy tờ chứng minh xuất xứ nguyên liệu chế biến

Còn tại cơ sở sản xuất và chế biến thực phẩm Hoàng Thanh (số 571 Kha Vạn Cân, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) do ông Phạm Hoàng Thọ làm chủ, đoàn công tác cũng ghi nhận nhiều sản phẩm giò chả được đóng trong bao bì chuẩn bị đưa đi tiêu thụ nhưng không có nhãn mác.

Lý giải về việc sản phẩm không gắn nhãn mác, chủ cơ sở trình bày do lo sợ lộ bí mật công thức và thành phần của giò chả nên không dán nhãn mác cho sản phẩm. Tiếp tục kiểm tra các giấy tờ kiểm nghiệm và chứng nhận ATTP, cơ sở này đưa ra chứng nhận kiểm định ATTP đã hết hạn sử dụng. Được biết, mỗi ngày cơ sở này bán ra thị trường từ 40-50 kg giò chả và pa-tê các loại.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ cơ sở bổ sung các loại giấy tờ có liên quan cũng như tham gia các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm do Ban quản lý ATTP TPHCM tổ chức.

Phát hiện cơ sở sản xuất hàng trăm kg giò chả '3 không' ảnh 2 Giò chả không nhãn mác được bày bán ở nhiều chợ truyền thống
Tối ngày 8/5, trao đổi với PV báo Tiền Phong, đại diện Ban quản lý ATTP TP cho biết: “Cơ sở giò chả trên chưa chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu vì họ mua hàng ở chợ đầu mối, có biên nhận nhưng do họ là hộ kinh doanh nhỏ nên không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ; còn cơ sở có chứng nhận an toàn hết hạn là do đang áp dụng việc để cơ sở tự công bố chất lượng sản phẩm. Cả hai cơ sở này, các Đội ATTP mới lấy mẫu kiểm tra chứ không hề lơ là, bỏ sót. Chúng tôi cũng đang vận động, hướng dẫn các hộ tham gia các lớp ATTP do Ban tổ chức để đáp ứng các yêu cầu trong chế biến, sản xuất đảm bảo”.
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.