Theo đó, ngày 10/10, chủ lô hàng là ông Nguyễn Văn Phụng đã đưa 70 con heo vào cơ sở Hòa Phú để giết mổ. Qua kiểm tra lâm sàng, cơ quan thú y TP.HCM phát hiện heo có biểu hiện tiêm thuốc an thần như mệt mỏi, thân ửng đỏ, mắt nhắm nghiền khi đang đi đứng nên lấy ba mẫu nước tiểu kiểm định. Kết quả ghi nhận cả ba mẫu chứa tồn dư thuốc an thần, hàm lượng cao.
Sau khi có kết quả kiểm định, ông Phụng tự nguyện xin tiêu hủy lô heo dương tính với thuốc an thần. Tuy nhiên, ông Phụng cho rằng, cơ sở này không tiêm thuốc cho heo tại lò giết mổ, có thể heo được tiêm lúc bắt ở trang trại hoặc trên đường vận chuyển.
“Heo không thể tiêm trên đường vận chuyển vì xe đã niêm phong, như vậy nhiều khả năng heo được tiêm thuốc ở trang trại, trước khi Chi cục Thú y Bà Rịa -Vũng Tàu kiểm tra cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Chi cục Thú y TP đã có văn bản gửi chi cục Thú y Bà Rịa -Vũng Tàu đề nghị kiểm tra xác minh vụ việc và báo cáo” – một cán bộ thú y cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã nhận được “thông tin truyền miệng” từ phía TPHCM, rằng có lô heo nhập từ Bà Rịa - Vũng Tàu bị phát hiện dương tính với thuốc an thần.
Tuy nhiên, văn phòng Chi cục Thú y tỉnh này vẫn chưa nhận được công văn thông báo hay đề nghị phối hợp giải quyết sự việc… từ phía TPHCM. Do vậy, tới thời điểm hiện tại, ngành thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa xác định được cụ thể sự việc như thế nào, việc tiêm thuốc an thần thực hiện ở công đoạn nào hay hướng giải quyết ra sao…
Dự kiến, sáng mai, ngành thú y Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tìm hướng giải quyết cụ thể hơn để làm rõ vấn đề, không gây hoang mang dư luận cũng như ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Còn về phía Chi cục Thú y TPHCM, cơ quan này đã có văn bản gửi chi cục Thú y Bà Rịa -Vũng Tàu đề nghị kiểm tra xác minh và báo cáo vụ việc – ông Trung cho hay.
Được biết, lô heo 70 con dính thuốc an thần có trọng lượng khoảng 6,3 tấn, trị giá khoảng 190 triệu đồng. Ngoài thiệt hại về tài sản, ông Phụng buộc phải đóng khoản tiền phạt, tiền tiêu hủy trên 100 triệu đồng.
Theo PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, những vụ việc phát hiện heo tiêm thuốc an thần gần đây đã cho thấy các ban ngành đang làm mạnh tay với các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, “siết” chặt việc thanh tra, kiểm tra từ khâu nuôi trồng, giết mổ đến lúc phân phối ra thị trường. “Trước đây, cán bộ Thú y cũng đã phát hiện rất nhiều vụ heo bị tiêm thuốc an thần, cho ăn chất kháng sinh chứ không phải đến bây giờ mới có. Tuy nhiên, việc để heo không an toàn ra ngoài thị trường vẫn diễn ra. Điều này chứng tỏ vẫn còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm soát. Đã đến lúc chúng ta phải mạnh tay hơn, từng bước xóa bỏ thực phẩm bẩn” – bà Lan cho hay.
Để tăng cường công tác phối hợp, nâng cao ý thức của người dân, thời gian gần đây, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM liên tục đến từng quận huyện, phường xã để tuyên truyền, ký kết hợp tác với lãnh đạo quận huyện trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Hiện, chúng tôi đã đi được 20 quận huyện. Điều tôi trăn trở hiện nay là không chỉ các quận huyện tại TPHCM cam kết đảm bảo thực phẩm sạch từ nguồn mà còn cần các địaphương lân cận cùng tham gia. Bởi 90% thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM là từ các tỉnh đưa vào. Làm sao để họ cùng chung tay với TP trong công tác ngăn ngừa thực phẩm bẩn lúc này là hết sức cần thiết” – bà Lan bày tỏ.
Trước đó, vào đầu tháng 10, tại cơ sở giết mổ heo lớn nhất TP.HCM là cơ sở Xuyên Á (H. Củ Chi), cơ quan chức năng cũng đã phát hiện gần 5.000 con heo bị dính thuốc an thần. Hiện số heo này đã được đưa toàn bộ về khu xử lý rác Đông Thạnh (H. Hóc Môn) để tiêu hủy.