Vi phạm an toàn thông tin mạng phạt 100 triệu đồng
Sáng 10/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, sau 6 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập lớn, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo Tờ trình của Chính phủ, về mức phạt tiền tối đa được đề xuất áp dụng trong 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tiền tối đa 6 lĩnh vực. Cụ thể, tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như: Giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng...
Đồng thời bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực: tín ngưỡng, đối ngoại (30 triệu đồng); cứu nạn, cứu hộ (50 triệu đồng), in và an toàn thông tin mạng (100 triệu đồng), sở hữu trí tuệ (250 triệu đồng)...
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, chưa đề cập đến khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa. Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm.
Về việc bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật tán thành bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tín ngưỡng, đối ngoại là 30 triệu đồng, đây là 2 lĩnh vực mới đã được Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tán thành quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là 250 triệu đồng để thống nhất với Luật Sở hữu trí tuệ; lĩnh vực an toàn thông tin mạng để thống nhất với Luật An toàn thông tin mạng, tuy nhiên đề nghị giải trình rõ hơn về căn cứ quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này là 100 triệu đồng.
Đối với lĩnh vực in và cứu nạn, cứu hộ, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ phạm vi của 2 lĩnh vực này để không chồng chéo với các lĩnh vực khác, bởi lẽ in xuất bản phẩm, báo chí, hóa đơn, xổ số…; cứu nạn, cứu hộ trong phòng cháy, chữa cháy, giao thông hàng hải, giao thông đường thủy nội địa… đều thuộc lĩnh vực đã được Luật quy định mức phạt tiền tối đa.
Sợ ảnh hưởng thu nhập thì đừng vi phạm
Qua thực tế giám sát về quy hoạch xây dựng, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dù mức phạt cao nhưng cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm, chưa xử phạt mức tối đa. “Luật quy định ngoài xử phạt thì có thêm việc tháo dỡ công trình sai phạm, vượt tầng, nếu làm nghiêm thì đâu có HH Linh Đàm, 8B Lê Trực? Nếu các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm, chắc không đến mức sai phạm nhiều như thế trong thời gian qua”, ông Thanh cho hay.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, mức phạt tối đa được quy định theo mức tăng dần, từ 30 triệu động lên 1 tỷ đồng, trong đó mức thấp nhất 30 triệu thuộc lĩnh vực liên quan đến hôn nhân gia đình. Tuy nhiên theo bà, thời gian qua lĩnh vực hôn nhân, bạo lực gia đình lại dấu hiệu gia tăng, vậy quy định mức trần 30 triệu đồng liệu có đảm bảo tính răn đe?
Đáng lưu ý, từ việc xử phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi lái xe theo Nghị định 100, bà Hải cho rằng, cử tri mong muốn việc xử lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đạt mức cao như vậy, có thể rút giấy phép kinh doanh, còn nếu chỉ phạt 200 triệu đồng như đề xuất thì quá thấp, không đảm bảo tính răn đe.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng dẫn dụ bài học kinh nghiệm trong việc triển khai Nghị định 100. “Nâng ly lên là nghĩ tới mức phạt tối đa lên đến 40 triệu đồng, tịch thu bằng lái 23 tháng, thì phần lớn lại đặt ly xuống hết”, theo ông Hiển, nếu phạt đầy đủ, đảm bảo tính răn đe thì rất có ý nghĩa. Không nên nghĩ quanh quẩn về thu nhập, nếu cứ nghĩ về thu nhập thì đừng vi phạm nữa.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nếu không muốn ảnh hưởng đến thu nhập thì đừng vi phạm. Nhất trí tăng mức phạt tiền tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tiễn để răn đe, ngăn chặn, tuy nhiên bà đề nghị phải làm rõ thực tiễn, đồng thời xem xét một số lĩnh vực như vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm có cấp bách để nâng mức phạt tiền tối đa không? Hay việc bổ sung đối tượng được quyền xử phạt cũng cần phải được làm rõ.