Cuộc họp tổng kết giai đoạn nghiên cứu dự án chợ đầu mối quốc tế cho Hà Nội ngày 4/10 tại Đại sứ quán Pháp. (Ảnh: Thu Loan) |
Tại cuộc họp tổng kết nghiên cứu khả thi chiều 4/10, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, nghiên cứu do Semmaris thực hiện, dùng nguồn tài trợ của Chính phủ Pháp, với mong muốn tạo nên một chợ đầu mối không chỉ đóng vai trò quan trọng với người dân thủ đô, mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng của Việt Nam.
Đại sứ Brochet cho rằng đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy việc quản lý chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng như thế nào.
Semmaris là cơ quan quản lý chợ đầu mối Rungis ở Paris, nơi cung cấp thực phẩm không chỉ cho 12 triệu dân thủ đô Paris mà còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Pháp. Dự án nghiên cứu chợ nông sản đầu mối cho Hà Nội được Semmaris thực hiện từ năm 2019 đến nay đã hoàn thành.
Ông Bertrand Ambroise, Giám đốc đối ngoại công ty Semmaris, cho biết, đề án tận dụng tất cả những kinh nghiệm rút ra từ quá trình xây dựng và quản lý chợ Rungis Paris, kết hợp khảo sát thực địa tại các chợ đầu mối của Hà Nội, như chợ Minh Khai, Đền Lừ, Yên Sở, Long Biên. Nghiên cứu nhận thấy đặc điểm chung của các khu chợ này là có nguy cơ lớn về an toàn thực phẩm, từ đó có thể gây vấn đề cho sức khỏe của người dân. Vì thế, cần hiện đại hóa tất cả dây chuyền cung ứng.
Giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra là đóng cửa những cơ sở hạ tầng có nguy cơ lớn, quy tụ tất cả hộ kinh doanh bán sỉ vào một chợ đầu mối, còn những chợ đầu mối và có tính đầu mối hiện nay của Hà Nội đều chuyển thành chợ bán lẻ.
Xuất phát từ kết quả nghiên cứu, Semmatis đề xuất xây dựng một chợ đầu mối nông sản quốc tế rộng 100 hecta tại Gia Lâm.
Trong dự án sẽ tách riêng làm 2 khu: Khu chợ rộng 60ha và khu nhà kho – hậu cần rộng 40ha. Phần chợ sẽ gồm 5 khu, để phân phối tất cả nông sản đang có trên thị trường Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu cho rằng Gia Lâm có nhiều yếu tố thuận lợi để có thể phát triển dự án chợ đầu mối quốc tế thành công, như diện tích đất, giao thông, nằm gần sân bay. Đi kèm với chợ đầu mối, nhóm nghiên cứu cũng đã tính đến tất cả các yếu tố liên quan, như: chống ngập, cải tạo giao thông, điện nước…
Chi phí xây dựng khu chợ ước tính là 7.159 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi tổng kết, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, để triển khai dự án còn rất nhiều công việc cần làm. Trước hết thành phố sẽ tích hợp thông tin dự án vào quy hoạch Thủ đô để trình Quốc hội phê duyệt, sau đó giao cho các sở, ngành của thành phố để tổ chức kêu gọi xúc tiến đầu tư.