Pháp ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam

Pháp ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam
TP - Trong khuôn khổ Tuần lễ Pháp tại Việt Nam, chiều hôm qua (8/4) tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra kỳ họp thứ hai Hội đồng cấp cao (HĐCC) Vì sự phát triển kinh tế Việt -Pháp với sự tham dự của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải.   
Pháp ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam ảnh 1
Nhà hát TP.Hồ Chí Minh, công trình do Pháp viện trợ đầu tư hệ thống chiếu sáng sẽ được khánh thành trong dịp Tuần lễ Pháp tại Việt Nam

Ủng hộ Việt Nam…

Tại cuộc họp HĐCC, đại diện phía Việt Nam đề nghị Pháp can thiệp Liên minh châu Âu (EU) sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường; đồng thời tiếp tục can thiệp EU để Việt Nam tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi GSP (hệ thống ưu đãi tổng thể đối với các nhãn hàng số 12 gồm dệt may, giày dép, ô che, túi xách, va ly).

Ngoài ra, Việt Nam cũng đề nghị EU nói chung và Pháp nói riêng bãi bỏ việc áp dụng lệnh chống bán phá giá đối với giày mũ da và xe đạp địa hình của Việt Nam xuất khẩu vào các nước này.

Đáp lại đề nghị của phía Việt Nam, ông Jacques Oudin, Nghị sĩ danh dự, đồng Chủ tịch HĐCC vì sự phát triển kinh tế Việt – Pháp đồng tình với việc cần phải bãi bỏ việc chống bán phá giá đối với các mặt hàng nói trên của Việt Nam xuất khẩu vào EU.

Theo ông Jacques Oudin, việc áp dụng lệnh chống bán phá giá này không những không bảo hộ được cho ngành sản xuất tại EU mà còn làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng EU, vì rằng người tiêu dùng phải trả giá cao hơn khi nguồn hàng khan hiếm. Không những thế, việc áp thuế chống bán phá giá còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến DN cũng như đông đảo người lao động Việt Nam. Ngoài ra, còn tạo cơ hội cho các đối thủ của EU có cơ hội chiếm thị trường.

Tại cuộc họp này, phía Pháp cũng bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường; đồng thời ủng hộ việc tiếp tục hưởng chế độ ưu đãi GSP.                

… Và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam

Pháp ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam ảnh 2
Pháp ủng hộ việc bãi bỏ lệnh chống bán phá giá giày mũ da Việt Nam xuất khẩu sang EU. Ảnh: Đại Dương

“Chúng tôi đã, đang và sẽ thuyết phục các doanh nghiệp (DN) Pháp đầu tư  vào Việt Nam”- Chủ tịch Phòng thương mại Pháp tại Việt Nam, ông Jacques Rostaing đã cho biết như vậy tại Diễn đàn DN Việt-Pháp diễn ra vào sáng cùng ngày 8/4.

Ông Jacques Rostaing là người có rất nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam. Theo ông, lý do khiến ông thuyết phục các DN Pháp đến Việt Nam là bởi đất nước này có nền kinh tế phát triển nhanh và có rất nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Ông Jacques Rostaing chứng minh về sự thay đổi bằng một ví dụ trong việc cấp phép đầu tư: Mười bốn năm trước, muốn có được một giấy phép đầu tư thì phải mất 6 tháng và đụng một tý là phải đến tận Hà Nội. “Ngày đó, thủ tục hành chính thật là khủng khiếp.

Bây giờ đã khác, chỉ cần 2 ngày là có được giấy phép trong tay, và cũng không cần phải đi đâu xa vì đã có cơ chế phân cấp cấp phép đầu tư cho các địa phương” - Jacques Rostaing ghi nhận. Cũng theo ông Jacques Rostaing, bản thân ông cũng như Phòng Thương mại Pháp tại Việt Nam sẽ nỗ lực hơn nữa để thu hút ngày càng nhiều DN Pháp đến Việt Nam đầu tư và kinh doanh.

Tham dự diễn đàn có trên 100 DN đến từ Pháp hoạt động trong các lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm, y tế, dược phẩm, thực phẩm, dịch vụ, năng lượng và công nghệ cao, thiết bị môi trường, giáo dục đào tạo và công nghệ chế tạo, xây dựng, hóa chất, điện tử tin học, viễn thông, vận tải, dầu khí…

Trong số đó có 50 DN lần đầu đến Việt Nam. DN hai bên đã tiến hành buổi tiếp xúc theo 3 chủ đề chính: Hợp tác kinh tế biển, vệ sinh nông sản đối với nông sản và tài chính cho xây dựng hạ tầng.

Mặc dù thể hiện sự quyết tâm đầu tư vào Việt Nam, song không ít DN Pháp vẫn không khỏi lo ngại về những “nút cổ chai” trong sự phát triển kinh tế tại Việt Nam, đó là chất lượng nguồn nhân lực, trong đó cả chất lượng của đội ngũ lãnh đạo còn hạn chế và hạ tầng yếu kém.

Ngoài ra, mặc dù đã được cải tổ mạnh mẽ, song thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê gây cản ngại đến quá trình đầu tư. Với tư cách là đồng Chủ tịch hội đồng cấp cao vì sự phát triển kinh tế Việt-Pháp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cam kết Việt Nam đã và sẽ tiếp tục khắc phục những nhược điểm và xóa bỏ những rào cản này trong thời gian sớm nhất có thể. 

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2008 tại Việt Nam có 198 dự án đầu tư của Pháp với tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ USD. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt-Pháp hiện mới chỉ ở mức 2 tỷ USD, con số này còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước.

Theo bà Nguyễn Bích Vân – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, một trong những lý do quan trọng khiến đầu tư trực tiếp của châu Âu nói chung và Pháp nói riêng tại Việt Nam thời gian qua chưa được như mong muốn là vì các nhà đầu tư ở khu vực này thiếu thông tin.

“Nhiều nước châu Âu vẫn chưa hiểu biết đầy đủ, chưa đánh giá đúng Việt Nam về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư đã được cải thiện như hiện nay” - bà Vân nói, đồng thời cho biết một trong những mục tiêu quan trọng trong thời gian tới là thu hút các tập đoàn lớn tại châu Âu nói chung và Pháp nói riêng vào Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng “đói” thông tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, bà Vân cũng cho biết Chính phủ đã quyết định thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tại 9 nước và vùng lãnh thổ, trong đó ở khu vực châu Âu có Pháp và Đức.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm về mức 81,8 triệu đồng/lượng. Ảnh:PQ.
Giá vàng nhẫn phá vỡ mọi kỷ lục
TPO - Sáng nay (20/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng, lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm, về mức 81,8 triệu đồng/lượng.