Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thúc đẩy mặt trận châu Âu đoàn kết để chống lại bước tiến của Bắc Kinh. Do đó, sau cuộc gặp gỡ cuối ngày 25/3 tại Paris giữa ông Macron và ông Tập, hai bên sẽ có các cuộc đàm phán thêm vào ngày 26/3 cùng với Thủ tướng Đức Angele Merkel và Chủ tịch Liên minh châu Âu Jean- Claude Juncker.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Pháp sau khi thăm Italia, quốc gia châu Âu đầu tiên đã phê chuẩn sáng kiến Vành đai, con đường đầy tham vọng của Trung Quốc khi Roma đang nỗ lực hồi phục nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của mình.
Sáng kiến “Vành đai, con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi bằng đường biển và đường bộ thông qua một hệ thống cơ sở hạ tầng dọc theo con đường Tơ lụa xưa.
Pháp cho biết, hợp tác Con đường tơ lụa phải hoạt động theo cả hai hướng. Một quan chức trong văn phòng của ông Macron cho biết, những tiến bộ đáng kể được hy vọng về việc Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản Pháp, đặc biệt là chăn nuôi.
Các quan chức Pháp cũng bày tỏ hy vọng rằng, một thỏa thuận trị giá hàng triệu đô la sẽ được ký kết với Trung Quốc trong việc mua hàng chục chiếc máy bay Airbus.
Trong mục bình luận trên tờ Le Figaro của Pháp xuất bản ngày 24/3, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một bài viết nói rõ ông muốn Paris hợp tác trong dự án “Vành đai, con đường”, kêu gọi tăng cường thương mại và đầu tư vào các lĩnh vực từ năng lượng nguyên tử, hàng không và nông nghiệp.
Ông Tập viết: “ Các nhà đầu tư Pháp được chào đón để chia sẻ các cơ hội phát triển tại Trung Quốc. Tôi cũng hy vọng rằng, các công ty Trung Quốc có thể làm tốt hơn ở Pháp và có đóng góp lớn hơn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội”.
Các quan chức Pháp coi Trung Quốc vừa là đối tác, vừa là đối thủ. Họ cho rằng, Pháp phải duy trì sự thận trọng đặc biệt đối với các nỗ lực của Trung Quốc trong việc áp dụng các công nghệ của nước ngoài cho mục đích riêng của mình.
Liên minh châu Âu đã cân nhắc một chiến lược quốc phòng hơn nữa đối với Trung Quốc khi nước này chậm chạp trong việc mở cửa nền kinh tế của mình với các công ty nước ngoài. Trung Quốc đã tiếp quản các ngành quan trọng và có cảm giác như không nơi nào ở các thủ đô của châu Âu không có sự hiện diện của Bắc Kinh.
Tại cuộc họp ở Brussels ngày 22/3, ông Macron đã nói: “Một sự thức tỉnh là cần thiết. Nhiều năm qua chúng ta đã không hợp tác với nhau và Trung Quốc đã tận dụng sự chia rẽ của chúng ta”.
Với những nỗ lực để thúc đẩy các nước châu Âu xích lại gần nhau, ông Macron sẽ cùng bà Merkel và ông Juncker chủ trì cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 26/3 nhằm thoát ra khỏi cách tiếp cận song phương đơn thuần.