Quốc hội Pháp thông qua dự luật về siết chặt quy định nhập cư, ngày 19/12. (Ảnh: Reuters) |
Dự luật được thông qua nhờ sự thỏa hiệp giữa đảng của ông Macron với đảng đối lập bảo thủ, cho thấy xu hướng chuyển dịch về cánh hữu trong chính trị ở nhiều nơi của châu Âu, khi các chính phủ đối phó với sự trỗi dậy của phe cực hữu bằng cách siết chặt quy định về nhập cư.
“Các biện pháp chặt chẽ là cần thiết. Không phải bằng cách bịt mũi ở trung tâm Paris mà bạn có thể giải quyết được những vấn đề ở phần còn lại của nước Pháp”, Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin phát biểu sau phiên bỏ phiếu ở Hạ viện Pháp.
Bộ trưởng Darmanin bày tỏ hài lòng với việc dự luật được thông qua nhờ phiếu của liên minh trung dung và phe bảo thủ, mà không cần dựa vào phiếu của các nghị sĩ cực hữu.
Chính phủ Pháp ban đầu cho rằng đây sẽ là luật kiểu "cây gậy và củ cà rốt", giúp người nhập cư dễ dàng tìm việc trong các ngành nghề thiếu lao động để có thể xin giấy cư trú, nhưng cũng sẽ giúp trục xuất lao động nhập cư trái phép dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, để giành được ủng hộ của phe cánh hữu, Chính phủ Pháp đồng ý giảm bớt cấp giấy phép cư trú, khiến người nhập cư khó tiếp cận phúc lợi xã hội hơn, bao gồm việc làm chậm thời gian được hưởng trợ cấp cho trẻ em và nhà thêm nhiều năm.
Pháp lâu nay vẫn tự hào với một trong những hệ thống phúc lợi hào phóng nhất thế giới, chi trả cho cả công dân nước ngoài, giúp họ trả tiền thuê nhà và chăm sóc con cái mà họ chỉ cần đóng vài trăm euro mỗi tháng.
Gần đây, phe cực hữu và bảo thủ cho rằng những điều này chỉ nên dành cho người dân Pháp. Dự luật vừa được thông qua sẽ khiến những người không phải dân châu Âu chỉ được tiếp cận phúc lợi nhà ở muộn hơn 5 năm.
Dự luật cũng quy định hạn mức nhập cư, khiến con của những người nhập cư khó trở thành công dân Pháp hơn, còn những công dân mang 2 quốc tịch nếu phạm tội nghiêm trọng có thể bị tước quyền công dân.
Dự luật ban đầu là tin tốt đối với Tổng thống Macron, khi ông coi đây là phần quan trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.
Tuy nhiên, dự luật được thông qua chỉ 6 tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nơi vấn đề nhập cư sẽ là chủ đề then chốt. Diễn biến này có thể giúp sức cho chính trị gia đối lập Marine Le Pen, người gọi dự luật là "chiến thắng lớn về mặt ý thức hệ" cho đảng cực hữu của bà.