Thời điểm Hạ viện Anh công bố kết quả cuộc bỏ phiếu then chốt về Dự luật Rwanda (Ảnh: BBC). |
Trong hai cuộc bỏ phiếu được tổ chức ở Hạ viện Anh liên quan đến dự luật Rwanda tối qua, kết quả đều ủng hộ chính phủ nước này. Ở cuộc bỏ phiếu đầu tiên, các nghị sĩ đã bác bỏ đề xuất do Công Đảng đối lập khởi xướng, nhằm không cho phép dự luật này được tiến hành “lần đọc thứ hai” trong quy trình lập pháp ở xứ sở sương mù, với tỉ lệ chống-ủng hộ là 337-269.
Ở cuộc bỏ phiếu thứ hai, cũng là cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định đối với dự luật Rwanda và ảnh hưởng lớn đến vai trò lãnh đạo của ông Sunak, Chính phủ Anh vẫn giành thắng lợi khi có 313 nghị sĩ ủng hộ, 269 nghị sĩ bác bỏ và 68 nghị sĩ bỏ phiếu trắng.
Được biết, nếu như thất bại trong cuộc bỏ phiếu trên, vai trò lãnh đạo của Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, thậm chí vị thủ tướng sinh ra ở thành phố Southampton có thể phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, khi ông sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ đầu tiên để thua trong một cuộc bỏ phiếu tương tự kể từ năm 1986, dưới thời cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.
Tuy nhiên, kết quả có lợi trong cuộc bỏ phiếu then chốt về dự luật Rwanda đã giúp giải tỏa phần nào áp lực mà ông Sunak đã phải đối mặt trong những ngày gần đây, trong bối cảnh vị thủ tướng gốc Ấn Độ cũng mới trải qua một phiên điều trần COVID-19 “không mấy dễ chịu” hồi đầu tuần này.
“Người dân Anh nên là những người quyết định ai được quyền đến đất nước này, không phải các nhóm tội phạm hay tòa án nước ngoài”, ông Sunak viết trên trang cá nhân X (trước đây là Twitter), sau khi kết quả bỏ phiếu dự luật Rwanda được Phó Chủ tịch Hạ viện Anh Eleanor Laing xác nhận.
Mặc dù vậy, những thách thức mà Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải đối mặt trong việc đưa dự luật Rwanda về trục xuất người tị nạn trái phép, một trong những cam kết chính của ông Sunak khi lên nắm quyền, trở thành một đạo luật chính thức, vẫn còn hiển hiện trước mắt.
Bên cạnh việc dự luật Rwanda sẽ được Ủy ban về Dự luật công của Hạ viện Anh xem xét kĩ lưỡng và tiếp tục bỏ phiếu vào đầu năm 2024, ông Sunak vẫn đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc làm hài lòng tất cả các nhóm nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền.
Trước khi cuộc bỏ phiếu then chốt diễn ra, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG), ông Mark Francois, một trong những nhóm nghị sĩ cánh hữu, cho biết phần lớn nghị sĩ thuộc các nhóm này sẽ bỏ phiếu trắng khi dự luật Rwanda đang có “nhiều thiếu sót”. Tuy nhiên, ông Francois nói họ sẽ bỏ phiếu chống trong cuộc bỏ phiếu tiếp theo nếu như Chính phủ Anh không điều chỉnh dự luật theo hướng mà họ mong muốn.
Trong khi đó, các nghị sĩ có khuynh hướng trung dung trong đảng Bảo thủ đã để ngỏ việc từ bỏ sự ủng hộ đối với dự luật Rwanda, nếu như bản dự thảo hiện tại được sửa đổi theo hướng “bàn tay sắt”, do lo ngại vi phạm nhân quyền và có thể bị Tòa án Tối cao Vương quốc Anh can thiệp.
Phố Downing cho biết bất kì sự điểu chỉnh nào đối với dự luật Rwanda sẽ nằm trong khuôn khổ cho phép của luật pháp quốc tế.
Bên cạnh Vương quốc Anh, Chính phủ Pháp cũng đang đối mặt nguy cơ về một cuộc khủng hoảng chính trị tương tự, được manh nha từ vấn đề di cư, sau khi dự luật nhập cư do chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất, đã bị Quốc hội Pháp bác bỏ do không thể dung hòa sự khác biệt về quan điểm giữa hai phía tả hữu tại cơ quan lập pháp của đất nước hình lục lăng.