Vụ án Hồ Duy Hải: Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Việt Văn.
Tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Việt Văn.
TP - Ngày 5/12, ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An đã chủ trì họp báo thông báo về vụ hoãn thi hành án tử hình Hồ Duy Hải từ 5/12/2014 đến 4/1/2015.

Mở đầu buổi họp báo, ông Hùng nói buổi họp báo chỉ cung cấp thông tin về việc tạm hoãn thi hành án tử đối với Hồ Duy Hải. “Còn thẩm quyền giải quyết tiếp theo của vụ án này là do TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao”, ông Hùng nói.

6 năm ròng kêu oan cho con

Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ ruột tử tù Hồ Duy Hải) đã khóc hết nước mắt suốt bao năm ròng đi kêu oan cho con trai từ địa phương đến cơ quan tư pháp trung ương. Mỗi năm bà lại đi ra Hà Nội 2 lần để kêu oan. “Không chỉ ra Hà Nội kêu oan, chị Loan còn gửi hồ sơ, đơn từ khắp nơi, hầu như tháng nào cũng gửi. Nhìn số biên nhận tiếp nhận hồ sơ từ các cơ quan giờ không đếm hết”, bà Nguyễn Thị Len (SN 1967, dì ruột Hải) nói.

Ngày thi hành án tử hình con trai mình cận kề, bà Loan như chết lặng khi được TAND tỉnh Long An mời gia đình lên thông báo về việc làm đơn xin nhận lại xác con đem về chôn cất sau khi thi hành án tử vào ngày 5/12. Còn nước còn tát, bà Loan đã quyết định đi ra Hà Nội để kêu oan cho con khi ngày thi hành án tử đã đến.

Nhưng rồi, trên khuôn mặt hốc hác của người mẹ già cũng nở một nụ cười khi chính cái ngày bà đi ra Hà Nội để kêu oan, gia đình ở nhà nhận được tin về việc tạm hoãn thi hành án tử con trai mình, bà Loan vỡ òa niềm vui trong nước mắt. Bà nói: “Ngày hôm nay, dù án tử vẫn còn treo lơ lửng trên đầu thằng Hải nhưng nó vẫn còn sống, còn thời gian để gia đình tiếp tục kêu oan để mong làm sáng rõ vụ án này”.

“Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”. 

Kết luận giám định số 158/KL- PC21 ngày 11/4/2008

Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn thi hành án của Tòa án nhân dân tỉnh Long An vào thời điểm này chỉ mang tính chất tạm thời. Do vậy, số phận pháp lí của Hồ Duy Hải vẫn còn treo lơ lửng như ngàn cân treo sợi tóc và vẫn là thân phận của một tử tù. Hiện gia đình đã nhờ luật sư Trần Hồng Phong làm đơn đề nghị giám đốc thẩm lại vụ án để làm rõ nhiều tình tiết chưa rõ hoặc bị bỏ sót. Mà đó điều là những chứng cứ ngoại phạm của Hải.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng: “Việc Hồ Duy Hải được tạm hoãn thi hành án tử hình vào phút 89 vừa rồi là một vấn đề pháp lí mà từ trước đến nay rất hiếm xảy ra trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. 

Đây có thể được xem là một điểm hết sức may mắn đối với Hồ Duy Hải. Bởi lẽ, trước khi xảy ra việc đến ngày thi hành án 5/12/2014, chính Hồ Duy Hải cùng với gia đình Hải và luật sư của Hải đã rất nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng và Chủ tịch nước để kêu oan. Nhưng tất cả đều bị bác bỏ”.

Vụ án Hồ Duy Hải: Nhiều khuất tất cần được làm rõ ảnh 1

Đơn xin tạm hoãn thi hành án tử của gia đình Hồ Duy Hải được ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An xác nhận.

Ảnh: Việt Văn.

Nhiều nghi vấn chưa làm rõ trong vụ án

Mặc dù bản án đã có hiệu lực, như ông Lê Quang Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Long An khẳng định, bản án của Hồ Duy Hải là bản án đúng theo trình tự pháp luật quy định, tuy nhiên, dư luận không khỏi ngạc nhiên khi xem lại bản cáo trạng của Hồ Duy Hải trong đó có nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ. 

Trong buổi họp báo, nhà văn Nguyễn Quang Vinh thắc mắc: “Lý do gì trong một thời gian dài, những điểm nghi vấn, thắc mắc, những tình tiết trong vụ án mà các luật sư chỉ ra, người dân xem qua cũng thấy bản án có nhiều điểm chưa làm rõ, còn vô lý, trong khi đó, Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh Long An vẫn khăng khăng khẳng định là đúng pháp luật, đúng quy trình tố tụng”.

Theo luật sư Nguyễn Thạch Thảo, bản án xét xử Hồ Duy Hải vẫn chưa đủ cơ sở chắc chắn, thiếu khách quan, khi bất chấp kết quả giám định khoa học, bỏ qua tình tiết ngoại phạm của bị cáo,…

Theo hồ sơ vụ án, Hải đã dùng con dao Thái để gây án đối với hai nạn nhân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, trong hồ sơ lúc đầu biên bản giám định khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận: “Chúng tôi không phát hiện dấu vết đồ vật nào liên quan đến vụ việc”. 

Nhưng qua ngày hôm sau, các dân phòng đã phát hiện một con dao mới tinh tại bưu cục nhưng không thu giữ mà đem đốt đi. Sau đó người mua ve chai đã lượm lưỡi dao đi mất. Sau đó, các dân phòng đi mua con dao tương tự đưa cho công an. Thì liệu rằng con dao đó có được xem là chứng cứ hay không?

Trong khoa học hình sự, dấu vân tay là một chứng cứ quan trọng nhất khi thực hiện hành vi phạm tội, dấu vân tay sẽ là cơ sở đầu tiên để các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xác định được đối tượng gây án.

Trong vụ án này, bản kết luận giám định số 158/KL-PC21 ngày 11/4/2008 lại chỉ rõ “Các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”. Đây là bằng chứng ngoại phạm của Hải tuy nhiên trong bản án đã bỏ qua, không làm rõ. 

“Ngoài ra, một chi tiết được đưa ra tại buổi họp báo là việc luật sư chỉ định trong vụ án của Hải là nguyên lãnh đạo cơ quan CSĐT Công an huyện Thủ Thừa có tham gia điều tra vụ án. Như vậy có đảm bảo được tính khách quan không?”, luật sư Thảo thắc mắc.

MỚI - NÓNG