Sẽ xét xử vụ án gian lận điểm thi tại Hà Giang vào ngày 18/9

Cơ quan điều tra khám nhà bị cáo Vũ Trọng Lương vào năm 2018.
Cơ quan điều tra khám nhà bị cáo Vũ Trọng Lương vào năm 2018.
TPO - Sau khi trả hồ sơ đề nghị viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung, tòa án tiếp tục nhận hồ sơ và đã ra quyết định đưa các cán bộ thuộc ngành giáo dục, công an ở Hà Giang ra xét xử vì nâng điểm thi THPT năm 2018.

TAND tỉnh Hà Giang đã ra quyết định số 57/2019 về việc đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh này vào 8h ngày 18/9 tới đây.

Vụ án có 5 bị cáo gồm Nguyễn Thanh Hoài - nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục -Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang (phòng Khảo thí), Vũ Trọng Lương - nguyên Phó phòng Khảo thí bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Tiếp đến, bị cáo Phạm Văn Khuông - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Giang và Lê Thị Dung - nguyên cán bộ Công an tỉnh Hà Giang bị truy tố về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi". Riêng Triệu Thị Chính - nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT phải hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi".

Trước đó, TAND tỉnh Hà Giang đã thụ lý vụ án trên từ ngày 29/5 nhưng quyết định trả hồ sơ, đề nghị VKSND yêu cầu điều tra bổ sung. Ngày 22/8, cơ quan truy tố hoàn tất cáo trạng mới, tiếp tục đề nghị tòa án xử lý hình sự 5 bị cáo nói trên.

Theo cáo trạng, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài đã bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 môn trắc nghiệm vi phạm quy chế thi.

Mặc dù Hoài không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm cho thí sinh, nhưng Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương và Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Sau đó, bị can Lương thực hiện thao tác trên máy tính, sửa kết quả 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.

Bị cáo Phạm Văn Khuông bị xác định đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con mình 13,3 điểm. Bị cáo Lê Thị Dung do có mối quan hệ quen biết nên đã nhờ bị cáo Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.

Riêng Triệu Thị Chính bị cáo buộc không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi; đưa danh sách, nhờ bị cáo Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh nhưng do có yếu tố khách quan nên nhóm này không thể nâng điểm môn văn.

Quá trình xử lý vụ án, cơ quan điều tra khẳng định đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh có động cơ vụ lợi trong việc nâng điểm.

Công an còn đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điểm. Các bị cáo Hoài, Lương cũng chỉ khai giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân...

Đánh giá vụ án, VKSND tỉnh Hà Giang cho rằng các bị can nói trên đã xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; để lại hậu quả lâu dài là đào tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng thấp; ảnh hưởng xấu tới dư luận....

Đáng chú ý, cáo trạng thể hiện, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã có báo cáo đề xuất số 52 ngày 12/8 gửi Thường trực Tỉnh ủy Hà Giang chỉ đạo cấp, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý 210 bố, mẹ của 107 thí sinh được nâng điểm theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, cáo trạng vụ án hoàn toàn không thể hiện tên tuổi, chức vụ, nghề nghiệp của các phụ huynh có con được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018.

MỚI - NÓNG