Lắp camera ở trường mầm non có phạm luật?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Theo luật sư, Luật Trẻ em đã quy định rất rõ về quyền riêng tư cá nhân của trẻ. Tuy nhiên việc lắp camera ở các trường mầm non phải được hiểu là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em.

Không nên hiểu một cách máy móc

Theo luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Luật trẻ em nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.

Ngoài ra, trong điều 6 Luật Trẻ em và Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện hành đều có quy định: Hình ảnh cá nhân của mỗi người là "thông tin về đời sống riêng tư" và không ai được phép sử dụng, xâm phạm nếu không được phép của người đó, bao gồm cả trẻ em.

"Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc quy định lắp camera ở trường mầm non phải được hiểu là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em" - luật sư Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo luật sư Tuấn Anh, nếu cá nhân, tổ chức nào đó lợi dụng những hình ảnh của trẻ em thu được từ camera ghi hình ở trường học để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan đến việc sử dụng hình ảnh cá nhân khi không được phép của người đó, trong đó bao gồm cả trẻ em.

“Pháp luật đã có quy định, việc sử dụng trái phép hình ảnh của cá nhân trong đó có trẻ em có thể bị xử lý vi phạm hành chính, hoặc thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự, ngoài ra, còn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi sử dụng trái phép hình ảnh cá nhân đó gây ra. Vì vậy, nếu cho rằng việc lắp camera trong trường học là vi phạm quyền trẻ em, xâm phạm đến bí mật đời tư của trẻ em là không chính xác, đây là cách hiểu luật một cách dập khuôn, cứng nhắc” – luật sư Tuấn Anh nói.

Trung tá công an hiến kế lắp camera

Còn theo trung tá, nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu, chuyên gia về tội phạm học (Bộ Công an) đề xuất giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ là phải lắp camera tại tất cả các cơ sở trông giữ trẻ. Các camera phải được lắp ở những nơi có thể bao quát toàn bộ khuôn viên các phòng rồi kết nối với công an các phường trên địa bàn.

“Tôi cho rằng đây là giải pháp không tốn kém, vì trong đề án xây dựng trường mầm non phải có việc đảm bảo an ninh, chống bắt cóc trẻ,… Do đó, đây là biện pháp hết sức hữu hiệu giám sát các cơ sở này” – trung tá Hiếu nhận định.

Cũng theo trung tá Hiếu, việc lắp camera sẽ tác động tâm lý rất lớn tới người quản lý và các giáo viên tại các cơ sở trông giữ trẻ. Nó giống như một thí sinh vào phòng thi có camera, dù thí sinh này có dùng tài liệu hay không thì cũng phải chấp hành nghiêm vì mọi hành động của mình sẽ bị ghi lại.

“Khi tôi xem clip trẻ bị bạo hành tại cơ sở mầm non Mầm Xanh vừa qua thì hành động của các bảo mẫu rất thoải mái vì có thể họ tin là hành động của mình không bị phát hiện. Nhưng nếu họ biết có camera ghi lại hành động của mình thì chắc chắn họ không dám làm như vậy” – trung tá Hiếu cho hay.

MỚI - NÓNG
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
Đi vớt rác, ngư dân Quảng Ngãi phát hiện động vật quý hiếm trong Sách đỏ thế giới
TPO - Trong lúc đang vớt rác vướng ngoài lồng nuôi cá, một ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vô tình phát hiện một con rùa biển đang vùng vẫy trong vợt. Con rùa biển này là một cá thể đồi mồi (một loài rùa biển, động vật biển quý hiếm), có tên trong Sách đỏ thế giới và Việt Nam.