Sở GD&ĐT TPHCM nói gì vụ bạo hành trẻ ở cơ sở Mầm xanh

Trường mầm non Mầm Xanh (quận 12), nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ gây xôn xao dư luận mới đây.
Trường mầm non Mầm Xanh (quận 12), nơi xảy ra vụ bạo hành trẻ gây xôn xao dư luận mới đây.
TP - Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết tình trạng bạo hành trẻ vừa xảy ra tại trường Mầm Xanh, đã từng xảy ra vào năm 2014 ở quận Thủ Đức và một vài nơi. Tại điểm trường Mầm xanh, Phòng Giáo dục quận 12 đã phối hợp với UBND phường kiểm tra hai lần nhưng không phát hiện.

Chiều 30/11, UBND TPHCM làm việc với các sở ban ngành về tình hình kinh tế xã hội và thu chi ngân sách 11 tháng năm 2017. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) báo cáo vụ bạo hành trẻ vừa diễn ra tại trường tiểu học tư thục Mầm Xanh (quận 12). 

Lắp camera là phạm luật     

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT cho biết tình trạng bạo hành trẻ vừa xảy ra tại trường Mầm Xanh, đã từng xảy ra vào năm 2014 ở quận Thủ Đức và một vài nơi. Tại điểm trường Mầm xanh, Phòng Giáo dục quận 12 đã phối hợp với UBND phường kiểm tra hai lần nhưng không phát hiện.

“Lực lượng kiểm tra xuống cơ sở, thấy nuôi dạy các cháu bình thường, cơ sở vật chất đầy đủ. Phụ huynh các cháu cũng không phản ánh. Sự việc vừa qua là do đạo đức con người. Họ không còn nhân tính, đóng cửa lại hành hạ các cháu. Sở đã trao đổi với quận 12, yêu cầu xử lý nghiêm khắc, đóng cửa, giải thể luôn, khởi tố hình sự, đã bắt giam những người liên quan. Đây là trường hợp cá biệt”, ông Sơn nói.

Lãnh đạo Sở GDĐT thừa nhận việc chống bạo hành trẻ, TPHCM đã có chỉ thị của Thành uỷ, UBND các cấp. Các quận huyện, ngành giáo dục chỉ đạo kiểm tra thường xuyên, ngày càng xiết chặt, phối hợp với các hội giám sát nhưng các sự việc đau lòng vẫn xảy ra.

Theo ông Sơn, nạn bạo hành trẻ trong các trường mầm non công lập có quy mô lớn hầu như không có mà chỉ xảy ra chủ yếu là tại các nhóm lớp từ vài cháu đến vài chục cháu do tư nhân thành lập.

“Sở chỉ quản lý vệ tinh. Lãnh đạo các trường mầm non công lập trên cùng địa bàn phối hợp với Phòng giáo dục và chính quyền địa phương kiểm tra nhưng lực lượng tại các phòng giáo dục rất mỏng. Vai trò giám sát của người dân và các hội đoàn rất quan trọng”, ông Sơn nói.

“Sở sẽ nghiên cứu lại các quy định, xiết lại các quy định đăng ký cấp phép trường mầm non vì quy định hiện nay còn đơn giản, để xảy ra vụ Mầm Xanh, Sở có một phần trách nhiệm”.

 Ông Đỗ Minh Hoàng  - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM 

Đối với giải pháp lắp camera tại các trường mầm non, ông Sơn cho biết Bộ GDĐT không chỉ đạo lắp và cũng không cấm. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ trẻ em và một số Luật khác không cho phép lắp camera ghi hình ảnh trẻ em.

“Sở GDĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các quận huyện tăng cường giám sát, vận động người dân, các hội đoàn quan tâm phát huy vai trò giám sát”, ông Sơn cho hay.

Siết việc quản lý

Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong cho rằng công tác quản lý nhà nước về chăm sóc bảo vệ trẻ em đang có vấn đề. Cụ thể: Trước kia có Ủy ban Chăm sóc bảo vệ trẻ em, tại các tỉnh thành là Ban chăm sóc bảo vệ trẻ em nhưng kể từ khi cơ quan này bị giải thể, nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ trẻ bị phân tán, tản mạn, mạnh ai nấy quản.

“Việc quản lý không còn tập trung như trước. Bây giờ nhiệm vụ này do các sở GDĐT, ngành Thương binh và xã hội, Thành đoàn, Văn hoá thể thao,… mỗi cơ quan phụ trách một lĩnh vực. Nói chăm lo nhưng công tác quản lý phân tán. Mỗi cơ quan chỉ tham mưu, đề xuất lĩnh vực riêng, còn một giải pháp tổng thể, toàn diện thì chưa có”, ông Phong nhận xét.

Trả lời báo chí vào tối cùng ngày, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở GDĐT cho biết TPHCM hiện có trên 1.800 nhóm giữ trẻ dân lập nhằm đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân và người lao động nhập cư. Liên quan đến việc quản lý các trường mầm non, chỉ trong năm 2017, Sở GDĐT đã có 3 văn bản, tham mưu UBND TPHCM ban hành 1 văn bản nhưng vẫn chưa ngăn chặn được nạn bạo hành trẻ tại các trường mầm non. Tại TPHCM, đã có một số trường lắp camera nhưng chưa phổ biến vì phải được đồng thuận của nhà trường, thầy cô giáo và các cháu.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM, ngăn ngừa nạn bạo hành trẻ em cần phải có một giải pháp tổng thể. Thực tế, việc phát triển ồ ạt các trường mầm non tư thục là nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng các cháu trong điều kiện các trường công lập còn hạn chế, công nhân làm việc theo nhiều ca kíp khác nhau. Từ 2012 -2014, lãnh đạo TPHCM chỉ đạo khuyến khích mở thêm trường tư để hỗ trợ những người lao động nghèo. UBND TPHCM có những hỗ trợ cụ thể như cho vay vốn kích cầu đầu tư…

Tuy nhiên công tác quản lý và kiểm tra giám sát các trường tư thục, nhóm trẻ tư nhân chưa chặt chẽ, buông lơi các điều kiện bắt buộc về cơ sở vật chất, chuẩn giáo viên, bảo mẫu, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy…

MỚI - NÓNG