Chiều 29/10, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án dân sự về việc tranh chấp “bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa Cty CP Ánh Dương Việt Nam (đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun) và Cty TNHH GradTaxi Việt Nam (gọi tắt là Grab) đã tạm ngừng.
Theo HĐXX, cần phải xác minh thu thập, bổ sung thêm tài liệu chứng cứ liên quan đến kết luận giám định mới giải quyết được vụ án. Do đó, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa vào lúc 22/11 tại trụ sở TAND TPHCM.
Trước khi HĐXX tạm ngừng, phiên tòa 'bất ngờ' quay trở lại phần xét hỏi (theo dự kiến tòa tuyên án) đã xét hỏi đại diện Vinasun và Grab. Cụ thể HĐXX hỏi Vinasun những căn cứ xác định con số thiệt hại và những lý do Grab yêu cầu giám định lại.
Theo đó, đại diện Vinasun cho rằng dựa vào báo cáo số xe nằm bãi, tài xế nghỉ việc do ảnh hưởng từ Grab. Theo đại diện Vinasun, căn cứ này dựa vào các con số báo cáo cơ quan chức năng.
Theo HĐXX, cần phải xác minh thu thập, bổ sung thêm tài liệu chứng cứ liên quan đến kết luận giám định mới giải quyết được vụ án. Do đó, HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời gian mở lại phiên tòa vào lúc 22/11 tại trụ sở TAND TPHCM.
Ngoài ra, số cuốc xe của Grab tăng lên tương ứng với số cuốc xe Vinasun sụt giảm. Vấn đề này Vinasun cho rằng tiếp cận từ hồ sơ vụ án.
HĐXX cho rằng, đối với những con số mà phía giám định báo cáo, toà không có chuyên môn nên yêu cầu Vinasun giải thích cụ thể.
Theo Vinasun, trong hoạt động kinh doanh bao gồm các chi phí cố định. Trong bản giám định gồm 3 loại chi phí: chi phí khấu hao hằng năm; chi phí cố định như kiểm định, chi phí đường bộ...; chi phí trả lãi ngân hàng.
Số lượng xe và taxi hoạt động của Grab, Uber chiếm hơn 70% thị trường. HĐXX cho rằng, nếu như Vinasun cho rằng số xe Grab, Uber tác động, vậy số xe người dân, nhu cầu người dân đi lại lúc cao lúc thấp thì có ảnh hưởng đến Vinasun không?
Vinasun cho rằng, dựa vào báo cáo cho thấy nhu cầu người dân đi taxi càng ngày càng tăng và tốc độ tăng mạnh mỗi năm. Trong khi đó, số xe Vinasun lại giảm. Theo báo cáo, con số mua mới để chạy Grab là tăng.
HĐXX hỏi số người lao động nghỉ việc? Vinasun cho biết tăng từ 8000 đến 12000 tài xế Vinasun nghỉ việc. Số nghỉ việc này phần lớn ‘đầu quân’ cho Grab và Uber. Nhiều tài xế đầu tư mua xe để chạy cho Grab và Uber.
HĐXX cho rằng, Vinasun cần chứng minh rằng việc giảm giá trị vốn hoá thị trường do Grab gây ra? Vinasun cho rằng, chứng minh thiệt hại chủ yếu dựa vào báo cáo kiểm toán.
Ngoài ra, giá trị vốn hoá doanh nghiệp giảm, tất cả cổ đông nhà đầu tư... không còn tin vào khả năng phát triển của doanh nghiệp nữa. Nguyên nhân nữa là do những thông tin bất lợi từ Grab.
Trong khi đó, HĐXX hỏi đại diện Grab, theo quy định, giám định lại khi có căn cứ chứng minh rằng giám định không chính xác, có vi phạm. Vì vậy, Grab cần đưa ra căn cứ để cho rằng giám định này không chính xác, vi phạm.
Đại diện Grab cho biết, số liệu không chính xác; phương pháp xác định thiệt hại cũng không chính xác...
HĐXX cho rằng hồ sơ giám định rất phức tạp, gần 50.000 trang. Trong khi đại diện giám định không có ở phiên toà, toà cũng không có quyền dẫn giải giám định viên nếu không có mặt ở phiên toà. Trong khi những giảm định này cần phải có giám định viên giải thích cho rõ ràng.
Đại diện Grab yêu cầu hoãn phiên toà để yêu cầu triệu tập đại diện giám định viên.
Trong vụ kiện này, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM vì cho rằng, dù Grab là một công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải nhưng thực tế hoạt động, Grab là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Grab đã thực hiện nhiều hành vi Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi và có hành vi khuyến mại nhằm gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Chính điều này đã gây thiệt hại cho Vinasun nên hãng taxi nội này khởi kiện Grab ra tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng.
Đại diện Grab cho rằng là một công ty công nghệ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, phù hợp với Đề án 24 của Bộ GTVT về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài ra, Grab cũng phủ nhận việc cạnh tranh không lành mạnh với Vinasun qua các chương trình khuyến mại. Đối với việc giảm sút doanh thu hay lợi nhuận của Vinasun không do Grab gây ra do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại của hãng taxi nội là không có cơ sở.