Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Pháp lệnh Quản lý thị trường do Bộ Công Thương soạn thảo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ các mảng thị trường cần quản lý, cũng chưa phân biệt được giữa việc kiểm tra và thanh tra.
Do liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp, ông Thông đề nghị phải hết sức thận trọng, đặc biệt với quy định áp dụng biện pháp kiểm tra đặc biệt của Quản lý thị trường. Mặt khác cũng cần phải quy định rõ thời hạn thanh kiểm tra, bởi nếu cứ kéo dài mãi sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Cùng băn khoăn với quy định áp dụng quyền hạn của lực lượng Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: “Ai được quyền thu thập tài liệu, bằng chứng và trưng cầu giám định nếu không phải là điều tra viên? Cho rằng dự thảo quy định Quản lý thị trường giống như một cơ quan điều tra, ông Ksor Phước đề nghị phải quy định rõ việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để không vi phạm đến quyền công dân mà Hiến pháp quy định.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng bộ máy Quản lý thị trường phải trong sạch, chuyên nghiệp, không để xảy ra tình trạng ra chợ “thông đồng, bắt tay, mời bát phở” là xong.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị quy định rõ nhiệm vụ chính của Quản lý thị trường, nếu quy định như dự thảo thì “mênh mông quá”. Cần phân biệt rõ các loại hàng hóa như bất động sản, chứng khoán, tiền tệ thì không thuộc sự quản lý của đơn vị này. Còn đối với các loại hàng hóa bằng vật chất, lưu thông ra thị trường như thực phẩm, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm…phải chịu sự kiểm soát của Quản lý thị trường.
“Cần quy định rõ các loại hàng hóa gian lận, kém chất lượng, có chất độc, hàng cấm phải là đối tượng của Quản lý thị trường”, Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng bộ máy Quản lý thị trường phải trong sạch, chuyên nghiệp, không để xảy ra tình trạng ra chợ “thông đồng, bắt tay, mời bát phở” là xong.
Tăng thu hơn 3 nghìn tỷ đồng thuế suất khoáng sản
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để góp phần bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên là một giải pháp cần thiết, khả thi.
Cụ thể mức điều chỉnh với nhóm khoáng sản kim loại như măng gan, chì, kẽm, sắt sẽ tăng từ 11 - 18%; nhóm khoáng sản không kim loại như đá hoa trắng, than sẽ tăng từ 9 - 15%. Đối với thuế suất của vàng sẽ tăng từ 15% lên 17%. Riêng nhóm dầu thô và khí thiên nhiên, khí than vẫn giữ mức thuế suất như hiện hành. Theo Bộ trưởng Dũng, sau điều chỉnh thuế suất, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, không phải cứ quản không được là tăng thuế. Chính sách thuế điều chỉnh cần theo hướng bảo vệ tài nguyên, môi trường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, khi tăng thuế, doanh nghiệp sẽ không chịu thiệt mà tìm cách tăng thu để bù đắp. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì đề nghị giữ nguyên thuế suất đối với cát đen, vì nếu tăng thuế sẽ làm cho tình trạng khai thác lậu gia tăng. Đa số các ý kiến đề nghị giữ nguyên mức thuế suất hiện nay đối với các sản phẩm gỗ quý hiếm thay vì điều chỉnh giảm như đề xuất của Chính phủ. “Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nói.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên mức thuế suất các loại gỗ quý hiếm. Với các loại tài nguyên khác được điều chỉnh tăng theo tờ trình của Chính phủ. Nghị quyết mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.