Đại biểu Quốc hội 'truy' trách nhiệm quản lý thị trường

ĐB Trần Du Lịch.
ĐB Trần Du Lịch.
TPO - “Bây giờ chợ Kim Biên ở TPHCM bán cả axit, cái gì cũng bán thì trách nhiệm của Bộ Công thương hay địa phương? Quản lý thị trường hiện hay dọc không ra dọc, ngang không ra ngang”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Chiều 25/11, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường chuẩn bị báo cáo ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2015.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, 6 nghìn cán bộ quản lý thị trường hiện nay nếu không thay đổi thì có tăng lên 60 nghìn người cũng không hiệu quả. Theo ông Lịch, hiện đang có vấn đề về phương thức tổ chức quản lý, không lo phòng bệnh mà chỉ chữa bệnh thôi. Do vậy cần phải xem hổng chỗ nào để bịt lại.

“Bây giờ chợ Kim Biên ở TPHCM bán cả axit, cái gì cũng bán thì trách nhiệm của Bộ Công thương hay địa phương? Tôi không nghĩ rằng Bộ trưởng Bộ Công thương đến tận chợ Kim Biên kiểm tra, nếu chưa làm rõ cơ chế trách nhiệm giữa Trung ương với địa phương thì làm sao quy trách nhiệm, xử lý công vụ được. Quản lý thị trường hiện hay dọc không ra dọc, ngang không ra ngang. Đơn vị này thuộc Sở Công thương, lại tham mưu cho UBND, vậy trách nhiệm sẽ thế nào?”, ông Lịch cho hay.

Cùng mối quan tâm, ĐB Cao Sỹ Kiêm đề nghị phải phân tích rõ xem cách sử dụng 6 nghìn cán bộ quản lý thị trường hiện nay có mặt được và hạn chế gì mà để cho tình hình trầm trọng như thế? Lo ngại về việc chuyển từ phân tán sang quản lý tập trung, ĐB Kiêm cũng đề nghị phân tích rõ mặt lợi và bất lợi ở điểm nào, việc khắc phục các yếu điểm ra sao?

Lưu ý đến việc áp dụng cách xử phạt rất nghiêm như các nước để không ai dám làm hàng giả, hàng nhái, ĐB Kiêm cũng đề nghị phải phân công rõ trách nhiệm cụ thể từng đơn vị. “Khi sự việc xảy ra, tìm địa chỉ quy trách nhiệm rất khó. Pháp lệnh có thành công hay không là việc áp dụng chế tài xử phạt, cách thức phối hợp thế nào”, ông Kiêm nói.

Trước một số ý kiến đề nghị nâng lên thành luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, điều này phải có nền tảng vững chắc, trong khi đó tính ổn định của Pháp lệnh chưa cao. Do vậy phải đảm bảo tính ổn định, hiệu quả từ Pháp lệnh, lúc đó phát triển lên thành luật sẽ không khó.

MỚI - NÓNG