Pháo kích tái diễn ở đông Ukraine: Phương Tây sợ chiến tranh bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 17/2, các cuộc pháo kích tái diễn ở miền đông Ukraine khiến phương Tây cho rằng Mátxcơva đang tạo cớ cho một cuộc tấn công vào nước láng giềng.

Cuộc giao tranh vào sáng sớm giữa quân chính phủ Ukraine với lực lượng ly khai thân Nga khiến phương Tây thấy báo động về khả năng nổ ra chiến tranh. Châu Âu đang đối mặt một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Lạnh khi Nga muốn sự bảo đảm an ninh, bao gồm việc Kiev không bao giờ gia nhập NATO, còn Mỹ và các đồng minh đề xuất biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin.

Cáo buộc lẫn nhau

Nga cáo buộc phương Tây “cuồng loạn”, nói rằng một số lực lượng đã rút khỏi biên giới và Mátxcơva không có ý định tấn công, nhưng nhiều nước phương Tây kiên quyết cho rằng việc tập hợp lực lượng vẫn tiếp tục và một cuộc tấn công có thể xảy ra. “Chúng ta có lý do để tin rằng họ đang tiến hành một chiến dịch giương cờ giả để có cớ tiến vào. Mọi dấu hiệu chúng ta có đều cho thấy họ chuẩn bị vào và tấn công Ukraine”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với báo giới tại Nhà Trắng. Ông Biden yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thay đổi kế hoạch công tác vào phút chót để đến phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

“Đó có thể là một cuộc ném bom khủng bố ngụy tạo ở Nga, là phát hiện một ngôi mộ chôn tập thể, một chiến dịch tấn công dàn dựng bằng máy bay không người lái nhằm vào dân thường, hoặc một cuộc tấn công giả, thậm chí thật sự, sử dụng vũ khí hóa học. Nga có thể gọi những sự kiện đó là thanh lọc sắc tộc, hoặc diệt chủng”, ông Blinken phát biểu. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin nói rằng, phát biểu của ông Blinken rất đáng tiếc và nguy hiểm.

Tại Ukraine, lực lượng ly khai và quân chính phủ đang đổ lỗi cho nhau đã nã đạn qua ranh giới ngừng bắn ở miền đông, nơi Mátxcơva cáo buộc Kiev đang “tiêu diệt” dân thường. Chính phủ Ukraine phủ nhận cáo buộc tấn công các vị trí của lực lượng ly khai ở Donbass, nơi giáp biên giới với Nga.

Báo cáo từ hai phía cho thấy giao tranh lần này nghiêm trọng hơn những lần vi phạm lệnh ngừng bắn thường xảy ra ở khu vực này trước đây. Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng Mátxcơva “quan ngại nghiêm trọng” trước các báo cáo. Mátxcơva lâu nay cho rằng Kiev muốn tạo cớ để chiếm lại khu vực ly khai bằng vũ lực. Ukraine phủ nhận điều này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng lực lượng thân Nga đã nã pháo vào một trường mẫu giáo, và gọi đây là “một sự khiêu khích lớn”. Video được cảnh sát Ukraine công bố cho thấy một lỗ thủng lớn trên tường gạch của một lớp học ngổn ngang gạch đá vụn và đồ chơi trẻ em. Trong khi đó, phe ly khai nói rằng, quân chính phủ đã khai hoả vào lãnh thổ của họ 4 lần trong vòng 24 giờ qua.

Nga trục xuất phó đại sứ Mỹ

Nga vừa trục xuất ông Bart Gorman, nhà ngoại giao số hai của Mỹ ở Mátxcơva, Bộ Ngoại giao Nga thông báo ngày 17/2. Washington cảnh báo sẽ đáp trả hành động “vô cớ” này.

Bộ Ngoại giao Nga thông báo, ông Gorman buộc phải rời Mátxcơva vì Washington “vô cớ trục xuất” một quan chức cấp cao của Nga. Nga cũng cáo buộc Mỹ châm ngòi “chiến tranh visa”. Ông Gorman, phó trưởng phái đoàn ngoại giao Mỹ, rời Nga từ tuần trước. Chưa rõ vì sao đến ngày 17/2 việc trục xuất mới được thông báo. “Hành động của Nga đối với phó trưởng phái đoàn của chúng tôi là vô cớ, chúng tôi coi đây là một bước leo thang và đang cân nhắc cách đáp trả”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.

Việc trục xuất xảy ra trong đợt khủng hoảng kéo dài nhiều tháng khi Nga tập hợp hơn 150.000 binh lính gần biên giới Ukraine. Ngày 17/2, Tổng thống Biden nói rằng, Nga định tấn công Ukraine trong vài ngày tới. Ngược lại, Nga khẳng định đang rút một số lực lượng khỏi biên giới.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, ông Bart Gorman vẫn còn hạn visa và mới làm việc ở Nga chưa đầy 3 năm. Washington nói rằng các nhà ngoại giao Nga ở Mỹ nhiều hơn 3 năm đều phải rời đi.

MỚI - NÓNG