Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa các khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9 ra quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam cùng dư luận quốc tế.
Trong bối cảnh các tên lửa Trung Quốc có nguy cơ làm bùng phát xung đột trong khu vực, các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đã phải tính đến nhiều phương án đối phó, trong đó có khả năng triển khai những khẩu pháo uy lực đến các nước đồng minh ở Biển Đông để đối phó với Trung Quốc, theo Scout.com.
Chuyên gia phân tích quốc phòng Kris Osborn của chuyên trang về quân sự này cho biết Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng sử dụng loại đạn dẫn đường mới trên những khẩu pháo tấn công mặt đất hạng nặng để thiết lập các hệ thống phòng không uy lực đánh chặn hỏa tiễn và tên lửa hành trình vượt đường chân trời tại các điểm nóng, trong đó có Biển Đông.
Theo đó, hai loại vũ khí hạng nặng được xem xét là lựu pháo M777 hoặc pháo tự hành M109 Paladin 155 mm. "Chúng tôi có thể sử dụng pháo tự hành và loại tương tự bắn đạn 150 mm để đánh chặn hỏa tiễn và tên lửa hành trình tấn công chúng tôi từ xa", một quan chức cao cấp quân đội Mỹ nói.
Theo quan chức này, pháo M777 và Paladin sử dụng đạn dẫn đường thông minh có thể đánh chặn các tên lửa đang bay đến trong khi di chuyển. Pháo Paladin có lợi thế quan trọng là loại pháo tự hành có thể ứng phó linh hoạt với các vũ khí đang bay hoặc thay đổi hướng bay nhanh của đối phương.
"Các loại pháo tự hành có thể di chuyển đến bất cứ nơi nào, và là một vũ khí 'hai trong một' có thể vừa tấn công vừa phòng thủ, giúp quân đội có nhiều lựa chọn và phương án tác chiến. Trước đây chúng tôi không có vũ khí phòng thủ di động sở hữu khả năng tấn công", quan chức trên giải thích.
Pháo lục quân M777 hay Paladin có thể biến thành vũ khí phòng không nhờ sử dụng đạn dẫn đường chính xác và công nghệ kiểm soát hỏa lực cải tiến để tiêu diệt các mối đe dọa trên không của đối phương như chiến đấu cơ, máy bay không người lái, tên lửa và đạn pháo.
Pháo lục quân M777 bắn thử nghiệm đạn dẫn đường thông minh Excalibur. Ảnh: USArmy
Các vũ khí này có thể tạo ra lợi thế chiến thuật di động bổ sung cho các hệ thống phòng không cố định của quân đội Mỹ hiện nay như Patriot hay Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một quan chức quân đội Mỹ nói.
Pháo M777, từng được sử dụng để oanh tạc các mục tiêu trên chiến trường Iraq và Afghanistan, có thể bắn đạn chính xác dẫn đường bằng vệ tinh Excalibur để tiêu diệt các mục tiêu trong phạm vi từ một mét đến 30 km hoặc xa hơn, bởi vậy, nó có thể được sử dụng với vai trò là vũ khí phòng không thực thụ.
Đạn Excalibur do Raytheon sản xuất sử dụng công nghệ dẫn đường bằng vệ tinh, và trong quá trình bay, nó bật chế độ dò tìm mục tiêu bằng laser để xác định vị trí để phá hủy mục tiêu ngay từ phát bắn đầu tiên. Hệ thống dẫn đường hiện đại giúp đạn Excalibur đạt độ chính xác hơn 90%. Mỗi viên đạn Excalibur có giá thành khoảng 68.000 USD.
Sử dụng pháo M777 hay Paladin làm vũ khí phòng không cũng là một phương án tiết kiệm chi phí, theo các quan chức quân đội Mỹ. "Đạn của các pháo này rẻ hơn rất nhiều so với những quả tên lửa có giá triệu USD dùng để bắn hạ những vũ khí chỉ có giá 100.000 USD", quan chức quân đội Mỹ tiết lộ.
Các quan chức Mỹ cho biết chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra liên quan đến việc triển khai các loại pháo trên tới Biển Đông. Lầu Năm Góc luôn phản đối hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng các tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết hòa bình bằng con đường ngoại giao.
Cùng với đó, hải quân Mỹ công khai tuyên bố sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải bằng việc cho tàu chiến nước này tiến vào trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng hoặc cải tạo trái phép trên Biển Đông. Ngoài các hoạt động này, nhiều khả năng Mỹ cũng sẽ tìm cách triển khai thêm các vũ khí tấn công và phòng thủ nhằm tăng cường năng lực cho các đồng minh trong khu vực.
"Chúng tôi tiếp tục làm việc với các đối tác và đồng minh của mình để tăng cường năng lực an ninh hàng hải cho họ", Bill Urban, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho hay.