Thuốc kháng virus Molnupiravir:

Phao cứu sinh của bệnh nhân COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Túi chăm sóc F0 tại nhà được chuẩn bị ở Trạm Y tế lưu động thuộc quận Bình Tân
Túi chăm sóc F0 tại nhà được chuẩn bị ở Trạm Y tế lưu động thuộc quận Bình Tân
TP - Những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên đang cách ly điều trị tại nhà ở TPHCM đã được tiếp cận với thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát. Cả người bệnh và ngành y tế đều kỳ vọng đây là giải pháp tạo bước ngoặt cho cuộc chiến chống dịch hiện nay.
Phao cứu sinh của bệnh nhân COVID-19 ảnh 1

Những liều thuốc kháng virus đầu tiên đến với F0 tại TPHCM

Ngày 27/8, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết ngành y tế thành phố đã nhận được 16.000 gói thuốc Molnupiravir dạng uống (tổng 320.000 viên) từ nguồn phân bổ của Bộ Y tế. “Ngay trong ngày, Sở Y tế đã chuyển thuốc tới tất cả các Trung tâm Y tế ở Thành phố Thủ Đức và các quận huyện, khẩn trương điều phối về các Trạm y tế cố định và Trạm y tế lưu động vừa được thiết lập để tập trung cứu chữa các F0”.

Molnupiravir là thuốc kháng virus đặc hiệu. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp, đặc biệt giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Tại Trung tâm Y tế quận Bình Tân, các bác sĩ đã tiếp nhận 579 gói thuốc Molnupiravir trong chương trình. BS Trương Đình Nhẫn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thuốc Molnupiravir kháng virus đang trở thành phao cứu sinh cho những người không may mắc COVID-19, chúng tôi đang nỗ lực với mục tiêu đưa thuốc tiếp cận người bệnh nhanh nhất và sớm nhất có thể”.

Molnupiravir sử dụng như thế nào?

BS Hữu Hưng cho biết, thuốc kháng virus Molnupiravir được sử dụng cho những người mắc COVID-19 với điều kiện có test RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2 dương tính. Thuốc sử dụng cho bệnh nhân có các triệu chứng ở mức độ nhẹ, cụ thể: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, không có các dấu hiệu viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở thấp hơn hoặc bằng 20 lần/phút, SpO2 lớn hơn hoặc bằng 96% khi bệnh nhân thở khí trời. Người bệnh tuổi từ 18 đến 65, có thể dùng thuốc bằng đường uống. Người bệnh đồng ý và thực hiện đúng theo bản cam kết tham gia chương trình can thiệp.

Bệnh nhân sử dụng thuốc đúng mục đích của chương trình và không chia sẻ cho người khác (kể cả người thân). Mỗi F0 phải sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng thuốc không đúng mục đích, không đúng hướng dẫn và cam kết khi tham gia chương trình. Trong trường hợp không sử dụng hết thuốc phải hoàn trả lại cho nhân viên y tế.

Trong quá trình sử dụng nếu có tác dụng không mong muốn thì báo cáo ngay với y tế địa phương.

Sở Y tế yêu cầu, Trạm y tế lưu động khi cấp phát thuốc cho người F0 khi đang cách ly tại nhà phải hướng dẫn người F0 theo dõi các triệu chứng hoặc dấu hiệu không mong muốn qua ứng dụng “Y tế HCM” và quản lý danh sách người F0 được cấp phát thuốc trên phần mềm “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh COVID-19”. Bệnh nhân không triệu chứng không sử dụng thuốc. Bệnh nhân chuyển sang tình trạng bệnh trung bình hay nặng thì sẽ phải ngừng dùng thuốc.

Bệnh nhân đã sử dụng thuốc được 3 đến 4 ngày, thấy khỏe hẳn, hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục dùng thuốc cho đủ liệu trình 5 ngày, trừ khi xuất hiện các chống chỉ định hoặc tác dụng không mong muốn nặng. Bệnh nhân đã sử dụng đủ liệu trình thuốc có test nhanh hoặc PCR âm tính thì vẫn phải tuân thủ 5K để tránh tái nhiễm.

MỚI - NÓNG