Phản tỉnh bạo lực

Phản tỉnh bạo lực
TP - Nhiều người hỏi tôi: Viết về mặt trái xã hội, chả lẽ các anh không sợ bị trả thù? Đã bao giờ nhà báo thấy nản, muốn bỏ cuộc?

Thú thật, nhiều lúc chính tôi cũng đã tự hỏi mình như vậy.

Đấy là lúc bài điều tra ba bốn kỳ liền đăng lên không một hồi âm, người ta gọi là đấm vào bị bông. Hoặc những khi hay tin đồng nghiệp bị hành hung, người nhà bị gọi điện nhắn tin đe đặt bom gài mìn chặt chân chặt tay trẻ con.

Hai phóng viên Tiền Phong tại Hà Tĩnh bị côn đồ hành hung. Như nhiều anh chị em trong toà soạn, tôi phẫn nộ, và không khỏi cảm thấy buồn.

Nhà báo đi thu thập thông tin, trừ báo hình ô tô máy móc thành đoàn, còn thì anh chị em chỉ chiếc xe máy rong ruổi, nhiều khi một mình dấn vào nơi hang hùm miệng rắn. Lặng lẽ nghe, lặng lẽ chép may ra không ai để ý, rút máy ảnh chụp là dễ có chuyện.

Trước lúc phóng viên kỳ cựu Võ Minh Châu (thường trú báo Tiền Phong từ nhiều năm nay tại Hà Tĩnh) bị tấn công dã man, phóng viên trẻ Minh Thùy vừa giơ máy ảnh, lập tức bị một kẻ lao vào giật máy, kẻ khác đứng ngoài đe dọa, thách thức: “Tau thu máy của mi, mi làm được chi tau?”.

Tôi chưa thấy đối tượng nào cản trở nhà báo tác nghiệp mà bị khởi tố về hành vi “chống người thi hành công vụ”, cho dù Luật Báo chí quy định “Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.

Phiên toà xử những kẻ côn đồ hành hung nhà báo Hoàng Dưỡng (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) năm 2009 vừa qua, tôi có tham dự. Đến hôm nay, bản án đã có hiệu lực pháp luật, tôi vẫn chưa hiểu nổi vì sao đám côn đồ bị truy tố về hành vi “cố ý gây thương tích” nhưng không bị cộng thêm tình tiết “vì lý do công vụ của người bị hại”, mặc dù trước toà, kẻ chủ mưu đánh Hoàng Dưỡng khai rõ, gã mướn côn đồ đánh là vì nhà báo “báo kiểm lâm bắt xe chở gỗ” (nhà báo Hoàng Dưỡng là người thực hiện thành công hàng loạt phóng sự về lâm tặc vườn quốc gia Yook Đôn).

Những nhà báo yêu nghề, dám dấn thân vì nghề, họ không chỉ có “bảo bối” là Luật Báo chí bảo vệ. Vượt qua những hiểm nguy, và cả những nỗi buồn đôi lúc không tránh khỏi, chính là nhờ họ có sự bảo vệ, động viên của đông đảo bạn đọc.

Một ngày nhà báo Võ Minh Châu nhập viện, điện thoại cầm tay của anh nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn, chia sẻ, động viên với anh. Toà soạn tại Hà Nội cũng nhận được nhiều thư giấy, thư điện tử, và rất nhiều cuộc điện thoại, bạn đọc gửi đến gọi đến động viên, cổ vũ các nhà báo.

Khi các nhà báo bị trả thù, có cảm thấy thấy nản, muốn bỏ cuộc?

Dấn thân vì sự tiến bộ xã hội, vì sự tiến bộ của con người, nhà báo dùng ngòi bút để soi sáng những mặt tăm tối. Trong những trường hợp đặc biệt, họ còn dùng cả tấm thân của mình để phản tỉnh sự tăm tối – chính là cái ác, cái bất nhân của những kẻ vô minh hành xử bạo lực.

Bạn đọc đã phẫn nộ. Đông đảo bạn đọc sẵn sàng đứng bên cạnh, không chỉ cổ vũ, động viên, họ sẵn sàng cung cấp thông tin, sẵn sàng làm nhân chứng, và có cả nhiều bạn đọc sẵn sàn bảo vệ các nhà báo.

Như vậy là quá đủ cho mục tiêu nghề nghiệp. Niềm an ủi lớn hơn nỗi đau, một khi mục tiêu đạt được.

Không tránh khỏi những phút nao núng, hoang mang, nhưng các nhà báo sẽ không bỏ cuộc, không chấp nhận viết báo một chiều, né tránh những chuyện bất bằng trong xã hội.

Đơn giản vì đó là sứ mệnh.

MỚI - NÓNG