> Kiểm soát quyền lực nhà nước để tránh lạm quyền
> Tăng quyền biểu quyết của công dân
Cử tri tham gia bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Mặt khác, cũng thấy rằng, quan điểm, đường lối của Đảng cũng không phải cái gì bất biến, sự vận động của thực tiễn thời đại và trong nước cung cấp cho Đảng những cơ sở thực tiễn mới, từ đó Đảng khái quát hình thành quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mới vượt lên, thậm chí trái với quan điểm, tư tưởng trước đó. Điều này càng thể hiện rõ trong quá trình đổi mới vừa qua.
Từ quan điểm phủ nhận, phê phán gay gắt những ai đề nghị cho phát triển kinh tế tư nhân, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, muốn phát triển quan hệ hàng hoá - tiền tệ đến chỗ xem phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm chiến lược của toàn bộ thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội, trong đó, kinh tế tư nhân là động lực phát triển; từ chỗ phủ nhận sự cần thiết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đến chỗ xem Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân là thiết chế chính trị ưu việt nhất cho việc bảo đảm, phát huy quyền dân chủ của nhân dân; từ chỗ nhiều người trong chúng ta tuyệt đối hoá lợi ích chung đến chỗ xem lợi ích trực tiếp, thiết thân của người lao động là động lực trực tiếp nhất thúc đẩy họ hoạt động có hiệu quả; từ chỗ xem “ai không đi với ta là kẻ thù của ta” đến chỗ khẳng định trong đối tác có thể có đối tượng, trong đối tượng có đối tác…
Những tư tưởng đó từng bước được đưa vào các văn bản Hiến pháp mỗi lần sửa đổi, bổ sung, phát triển.
Nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này, chúng tôi thấy những cơ quan có trách nhiệm soạn thảo đã hết sức chú ý giải quyết mối quan hệ giữa hiện thực thực tế và triển vọng, giữa quan điểm hiện nay của Đảng và triển vọng phát triển của quan điểm đó.
Thí dụ, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển ở Đại hội XI) vẫn khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp kỳ này đã không đề cập vấn đề đó. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với sự “sửa đổi” đó.
Song vẫn có một số vấn đề khác chúng tôi còn phân vân, một trong số đó là hình thức tổ chức quyền lực Nhà nước ở Việt Nam. Về vấn đề này, Dự thảo viết: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (Điều 2, Chương 4: Chế độ chính trị).
Trong xã hội, trong đó có bộ phận không nhỏ các nhà khoa học, còn có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này; nó cũng được trao đổi, thảo luận sôi nổi không khác thời kỳ thảo luận về vấn đề có nên xây dựng Nhà nước pháp quyền hay không diễn ra ở nước ta một số năm trước 1994, khi quan điểm này chưa được chấp nhận chính thức ở tầm văn kiện của Đảng.
Không ít người cũng chưa hiểu thống nhất quyền lực là thống nhất vào đâu? Vào Đảng? Vào Quốc hội hay vào nhân dân? Chúng tôi cho rằng nếu được thực hiện một cách đúng đắn, phân quyền không có nghĩa phủ nhận, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, mà chỉ là cơ chế hoạt động, hình thức tổ chức quyền lực Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo đảm các cơ quan quyền lực có thực quyền lực hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của Nhà nước và phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân.
Là Đảng cầm quyền, mức độ trưởng thành, hiệu quả lãnh đạo của Đảng không phải được đo bằng năng lực Đảng làm thay Nhà nước và nhân dân, mà được xác định qua việc phát huy đến đâu vai trò của Nhà nước, phát huy tới đâu quyền làm chủ của nhân dân.
Nếu suy nghĩ trên đây được xem là đúng, phải chăng đoạn đó trong Dự thảo nên viết như sau: “Quyền lực Nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy cao độ hiệu lực quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân”.
GS, TS Phạm Ngọc Quang