Phản hồi thông tin báu vật Champa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả

TPO - Một số người cho rằng nhiều hiện vật thuộc trưng bày "Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả. Giám đốc bảo tàng Nguyễn Văn Đoàn chính thức lên tiếng.

Trưng bày sưu tập cổ vật Champa của nhà sưu tập Đào Danh Đức khai mạc sáng 28/8 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Một số người sau đó chia sẻ trên mạng xã hội rằng nhiều hiện vật trong bộ sưu tập này là đồ giả.

Ông Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia - cho biết bảo tàng tiếp xúc và nghiên cứu bộ sưu tập của nhà sưu tập Đào Danh Đức từ năm 2013. Từ đó đến nay các cán bộ bảo tàng luôn tìm tòi, đối sánh tư liệu, hiện vật đang lưu giữ tại các bảo tàng công lập và sưu tập tư nhân để có cái nhìn khách quan và thấu đáo hơn về sưu tập này.

Phản hồi thông tin báu vật Champa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả ảnh 1

Trưng bày Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc ngày 28/8.

Bảo tàng đã thành lập nhóm các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giám định cổ vật bao gồm PGS.TS. Ngô Văn Doanh, TS. Phạm Quốc Quân, TS. Nguyễn Đình Chiến để nghiên cứu, giám định bộ sưu tập. Bảo tàng cũng đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu của các nhà nghiên cứu người Pháp công bố trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Các chuyên gia đã khảo sát trực tiếp những sưu tập hiện vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để so sánh, đánh giá sự tương đồng của những hiện vật sẵn có với sưu tập của ông Đào Danh Đức.

Phản hồi thông tin báu vật Champa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả ảnh 2

TS. Phạm Quốc Quân - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cách mạng Việt Nam - là một trong những chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu, giám định hiện vật trong sưu tập Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian.

“Trong quá trình giám định, các chuyên gia cũng như nhóm nghiên cứu, giám định của bảo tàng đều nhận thấy những hiện vật trong sưu tập của Đào Danh Đức có lớp patin xỉn màu theo sự bào mòn của thời gian cùng những dấu vết sứt, móp, thủng, rách… rất tự nhiên, thể hiện rõ nét sự chân xác của cổ vật”, ông Nguyễn Văn Đoàn khẳng định.

Bên cạnh kết quả giám định của các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh bảo tàng đã đề nghị chủ sưu tập cho phân tích thành phần hợp kim của từng hiện vật.

Phản hồi thông tin báu vật Champa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả ảnh 3Phản hồi thông tin báu vật Champa ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đồ giả ảnh 4
Từ kết quả giám định hiện trạng, kỹ thuật chế tác, đối sánh tư liệu và phân tích thành phần hợp kim và đá đều xác định tính chân xác của sưu tập Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian.

“Tỷ lệ vàng, bạc của các hiện vật trong sưu tập Đào Danh Đức hoàn toàn tương đồng với những hiện vật cùng chất liệu được chúng tôi khai quật tại di tích tháp Cấm Mít (Đà Nẵng) và một số hiện vật Champa trong sưu tập hiện lưu giữ tại bảo tàng”, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định.

Những viên đá được khảm và đính trên hiện vật cũng được giám định. Từ kết quả giám định hiện trạng, kỹ thuật chế tác, đối sánh tư liệu và phân tích thành phần hợp kim và đá đều xác định tính chân xác của sưu tập hiện vật này.

Về niên đại của sưu tập, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết sưu tập cổ vật của Đào Danh Đức nằm trong giai đoạn muộn của văn hóa Champa thuộc thế kỷ 17-18, trước khi Champa được sáp nhập vào Đại Nam dưới triều vua Minh Mạng, thời Nguyễn, năm 1832.

Trưng bày chuyên đề Báu vật Champa- Dấu ấn thời gian do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam và nhà sưu tập Đào Danh Đức thực hiện. Trưng bày khai mạc ngày 28/8 với hai nội dung chính bao gồm tượng và linh vật tôn giáo, đồ trang sức và vật dụng mang biểu tượng tôn giáo, quyền uy hoàng tộc.

MỚI - NÓNG