Phận gác chắn

Đoan cho biết cô thức trắng 10-15 đêm mỗi tháng để đẩy chắn tàu. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Đoan cho biết cô thức trắng 10-15 đêm mỗi tháng để đẩy chắn tàu. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
TP - Tàu vừa qua, Đoan vừa đẩy chắn vừa chạy. “Không biết bao nhiêu lần xe máy, thậm chí cả xe ô tô, vội vàng qua chắn mà đâm vào chân em, đau lắm”, cô kể.

Tại khu vực chắn tàu cống bà Xếp (trên đường Trần Văn Đang, TPHCM), tiếng tàu, tiếng còi, tiếng người, tiếng động cơ đủ loại inh tai nhức óc. Hễ chắn tàu được kéo qua thì vài phút thôi, dòng người trên đường đã ùn ứ và nhiều người liều lĩnh chui qua chắn rồi băng qua đường tàu để đi cho nhanh.

Xông pha trong thác người

Trời về tối, mọi người càng hối hả, đèn đường, đèn xe, tiếng chuông báo tàu rền rĩ. Chiếc tàu SE11 từ Huế rầm rầm đi vào, tàu đến đúng giờ. “Chắn này thường gọi là chắn Trần Văn Đang hay chắn cống bà Xếp. Chắn phụ trách một đường tàu Bắc Nam, một đường song song đi vào xưởng sửa chữa bảo dưỡng tàu” - anh Nguyễn Xuân Hoàng (32 tuổi, người Hương Khê, Hà Tĩnh, làm 8 năm ở chắn) nói. Trong ca trực đêm này, Hoàng là người lớn tuổi nhất, hai bạn còn lại đều mới hơn 20 tuổi. Tàu vào ga một chút thôi, chuông điện thoại của chắn lại đổ vang. Khách xuống tàu hết rồi, con tàu lại chạy ngược ra chắn bà Xếp để đi vào xưởng bảo dưỡng. Lúc này tàu đã vắng tanh. Dòng thác người lại bị chặn bởi hai cái chắn dài ngoẵng. Một người đứng trên đầu tàu gọi xuống, giọng oang oang: “Chờ anh thổi còi rồi em ra đóng chắn để anh vào kéo tàu khách ra đón khách”. Xem ra ngành đường sắt cũng có quỹ thời gian rất hạn hẹp. Sau một lúc bảo dưỡng, con tàu sạch sẽ lại quay vào ga chuẩn bị cho hành trình mới. Tiếng chuông lại đổ, đèn đỏ lại bật sáng, dòng thác người bị chặn đứng để con tàu chạy về ga nhận nhiệm vụ mới.

Phận gác chắn ảnh 1 Đồng (ngồi bên phải) cho biết, ngoài trực chắn, công việc tay trái của anh là chạy xe ôm Grab cùng nhiều đồng nghiệp khác trong ngành.

Mỗi một đoàn tàu vào ga Sài Gòn, chắn tàu ở cống bà Xếp phải đón 3 lần tàu vào trả khách rồi ra bảo dưỡng, công việc gấp 3 lần so với một chắn tàu bình thường. Một người làm ở ga nói với phóng viên rằng, có lẽ cái chắn này là một trong những chắn tàu bận rộn nhất đất nước. Hoàng bảo: “Có những ngày chúng em đón 40 chuyến tàu”. Huỳnh Thị Như Đoan, 23 tuổi, nữ nhân viên gác chắn nom già dặn hơn so với tuổi của mình, kể: “Ngày Tết chúng em còn không có thời gian để ăn cơm nữa ấy chứ”.

Gồng gánh

Đoan về làm ở chắn cống bà Xếp với mức lương hơn bốn triệu đồng mỗi tháng. Còn độc thân nên cô được ở nhà lưu trú, không phải thuê nhà. Đoan bảo: “Mật độ tàu ở chắn này nhiều hơn các chắn khác nhưng lương cũng không cao hơn. Một đường dành cho tàu khách, một đường để kéo tàu vào duy tu trước khi chạy chuyến mới. Chắn em có sáu người thay nhau hai ban. Em thường được cử trực đêm, mỗi tháng em trực hơn 10 đêm. Lên ca lúc 6 giờ chiều, xuống ca lúc 6 giờ sáng”.

Bạn Đoàn Khắc Đồng người Hà Tĩnh, làm ở chắn hơn hai năm. Lương gần năm triệu đồng là do “đã có gồng gánh làm thêm ban, do chắn thiếu người”. Làm một ban là 12 tiếng. Cơ quan có người nghỉ thai sản, thậm chí có người xin nghỉ việc, những lúc ấy thì gồng gánh thêm ca nên thu nhập cao hơn chút đỉnh. 

Trông hiền lành, nhanh nhẹn, Đồng tâm sự: “Bọn em thức đêm, cơm nước đi tùm lum mua ăn. Chắn quy định không được nấu cơm trong chỗ làm. Em rất muốn về, đa số chúng em đều xin về quê, mà tiếc là ngoài quê mình ngành này lại không thiếu người. Về quê gần nhà, đỡ vất vả hơn anh ạ”.

Tàu ra vào hai con đường, chuông kêu ầm ĩ. Đoan chạy ra đẩy cái chắn dài từ bên này đường sang bên kia con đường mấy làn xe. Một mình cô đẩy một cái chắn bằng sắt có bánh xe nhưng rất nặng. Trời lấm tấm mưa mà mồ hôi vẫn túa ra. Đoan  bảo: “Người băng qua đường thường xuyên, em kéo chắn, họ cứ vượt qua. Em sợ họ lao vào đoàn tàu, em phải lấy thân mình đứng chặn họ lại, họ không cám ơn, còn đòi đánh nữa”.

Mặc cho tiếng còi xe, tiếng còi của trực ban, tiếng động cơ ầm ĩ, nhiều người đi bộ chui qua chắn sang đường, những chiếc xe máy thì len lỏi trên con đường nhỏ ven đường ray cố vọt ra. Ô tô thì bấm còi inh ỏi, những người đàn ông làm đêm phì phèo thuốc lá và những kẻ xăm trổ đầy mình đôi mắt gườm gườm. Trời TPHCM đang vào mùa mưa, những cơn mưa bất ngờ và những cơn mưa dai dẳng, ai cũng vội vàng. Họ dừng lại chờ tàu, nhiều người cau có, bực bội không rõ lý do gì.

Tàu vừa qua, Đoan vừa đẩy chắn vừa chạy, cô đi qua đâu, chỉ một vài bước chân thôi, dòng thác người lại tràn qua đường ray. Đoan bảo: “Chân em đây, không biết bao nhiêu lần xe máy, thậm chí cả xe ô tô, vội vàng qua chắn mà đâm vào chân em, đau lắm”.

Người làm thay máy

Trước kia, những cái chắn làm bằng tre, khá nhẹ. Bây giờ chắn làm bằng sắt, nói chính xác nó là một hàng rào sắt di động, có chiều dài bằng lòng con đường mấy làn xe. Không ai biết con rồng sắt này nặng bao nhiêu tạ, vì không ai cân được. Đoan bảo: “Cái chắn này được thiết kế dùng máy điện đẩy sang đường, chứ không phải thiết kế cho con người. Nhưng máy móc đã hư hỏng lâu rồi, toàn phải dùng sức người. Một ngày đẩy không biết bao nhiêu lần, đếm không được. Bảo dưỡng các toa, có khi bảo dưỡng cả đầu tàu, đầu tàu đẩy ram (toa không) cứ vào ra xưởng liên tục”. Chuông báo tàu ầm ĩ và Đoan chạy ra đẩy chắn mà không kịp đội mũ. Ấy thế nhưng nỗi sợ của Đoan là “cuộc sống phức tạp” quanh cái chắn tàu với những kẻ lang bạt kỳ hồ, nghiện ngập: “Có hôm sáng ra, em thấy quanh chắn vứt đầy kim tiêm”.

Mỗi khi tàu qua chắn, người gác chắn chẳng khác gì dũng sĩ, phải đem cả tính mạng của mình ra làm việc.Xem ra có một cuộc chiến giữa chắn với các phương tiện giao thông ngổ ngáo, nếu chắn sang không dứt khoát, không mạnh mẽ thì người ta vẫn liều chết băng qua đường ray. Cái chắn kềnh càng, nặng khủng khiếp ấy lại như một biểu tượng của luật pháp. Đồng tâm sự: “Đèn đỏ, chuông cảnh báo không ăn thua anh ạ. Xe ô tô, xe máy họ thấy mình kéo chắn đấy, nhưng còn khoảng trống vài mét họ vẫn cứ cố vọt lên.  Có khi em sợ ô tô băng qua đường mà húc vào đoàn tàu của mình, em lao cả cái chắn vào ô tô thì nó mới chịu khựng lại”.

Những người gác chắn đêm không được phép nấu ăn tại trạm. Trạm rộng chừng vài mét, chỉ có một nhà vệ sinh nhỏ. Có cái bàn và ba chiếc ghế. Họ uống nước trà cho tỉnh ngủ. Hoàng mời tôi ăn món cu đơ ở quê mới đưa vào. Người ở quê vào thăm. Hoàng có một đứa con 4 tuổi, vợ làm công nhân khu chế xuất. Nhà cửa thì ở trọ dưới Thủ Đức. Tiền trọ gần 2 triệu mỗi tháng. Hoàng đặt tên con là Quốc Khánh. Người bố trẻ tâm tình: “Trong tổ em vừa có người viết đơn xin nghỉ việc, em không rõ lý do. Anh em cũng tâm tư lắm, nhưng làm nghề này phải tập trung tâm sức mà làm, vì gác chắn liên quan đến sinh mạng nhiều người”.

Phận gác chắn ảnh 2 Chắn cống bà Xếp đông nghẹt người qua lại.

Chạy xe ôm kiếm thêm

Anh Thành quê Hà Tĩnh, dẫn đầu máy ra xưởng bảo dưỡng rồi ghé vào chắn. Anh Thành nói: “Nghề chúng tôi, làm 12 tiếng nghỉ 24 tiếng. Tôi làm đường sắt 27 năm, mà lương hơn năm triệu thôi. Những ngày nghỉ, tôi chạy xe ôm Grab để phụ vợ nuôi con. Lương tôi chỉ đủ đóng tiền học cho hai đứa con, không còn gì cho việc khác nữa. Rất nhiều anh em trong ngành đường sắt tranh thủ 24 giờ nghỉ sau ngày trực để chạy xem ôm Grab chứ không riêng gì tôi, anh em ở chắn cũng thế”.

Câu chuyện với anh Thành khiến tôi chú ý hơn đến 3 chiếc mũ sơn xanh chạy xe ôm Grab trong phòng trực của chắn cống bà Xếp. Ngay khi bước vào phòng gác chắn tôi đã thấy những chiếc mũ và áo ấy, nhưng tôi lại nghĩ đó là của ai đó chạy xe ôm gửi nhờ.

Với vẻ năng động, Đồng bảo: “Mũ chạy xe ôm này là của anh em gác chắn anh ạ, một cái là của em chứ của ai nữa. Sau khi xuống ca, nghỉ ngơi rồi, em chạy xe ôm đấy. Mỗi ngày chạy xe ôm em kiếm thêm được một vài trăm nữa để phụ chi tiêu chứ mình lương thì không đủ sống đâu anh ạ”. Tôi hỏi: “Lãnh đạo có biết em chạy xe ôm không?”. Đồng bảo: “Có ai hỏi đâu mà em nói, với lại em cũng có nói với ai đâu. Ngày nghỉ, mình làm gì tùy mình thôi. Tranh thủ kiếm thêm, ăn uống thêm cho có sức khỏe mà đi trực chắn anh ạ”.

Câu chuyện còn dang dở, Đồng lại chạy ra phụ giúp anh Hoàng đẩy chiếc chắn sắt chặn đứng đoàn người trước mũi con tàu chở đầy khách đang rần rật tiến tới. Khi tàu vào ga an toàn, họ lại cuống cuồng đẩy chắn ngang ra khỏi đường để mọi người tiếp tục đi. Một đêm làm việc tại chắn đã sắp kết thúc tốt đẹp và cũng lại sẽ mở ra một ngày chạy xe ôm mới của Đồng trong thành phố phồn hoa. 

Anh Thành, nhân viên dẫn tàu Ga Sài Gòn, nhận xét: “Nghề đường sắt chúng tôi thì làm gì cũng vất vả cả, nhưng trực chắn luôn vất vả hơn, thời gian nghỉ ngơi ít hơn. Nếu được lựa chọn thì tôi nghĩ đa phần ít ai chọn việc làm gác chắn. Ý thức giao thông của người mình kém, nhiều người sẵn sàng vượt chắn bất chấp nguy hiểm cho bản thân và đoàn tàu. Người gác chắn phải tự mình xử trí từng trường hợp, lúc mềm lúc rắn. Tuy có đèn đỏ và chuông báo nguy hiểm đấy, nhưng chẳng máy móc nào thay được con người ở các trạm chắn”

MỚI - NÓNG