Trăm năm Cầu Ghềnh và chuyện người gác chắn

Trăm năm Cầu Ghềnh và chuyện người gác chắn
TP - Trăm năm Cầu Ghềnh vẫn còn, tàu lướt đi và người kiên nhẫn xếp hàng. Nhân viên gác chắn nói: “Bao nhiêu năm gác chắn không nổi tiếng, lại nổi tiếng bởi một vụ án anh ạ!”. Người gác ghi nói dở, vội chạy ra bám lấy mặt đường ray vì một cái đầu tàu trơ trụi vừa chạy tới.
Đón những chuyến tàu qua sông Đồng Nai. Ảnh: T.N.A
Đón những chuyến tàu qua sông Đồng Nai. Ảnh: T.N.A.

Trăm năm một cây cầu

Trong những câu chuyện, người ta nói rằng cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai là một trong ba chiếc cầu đẹp nhất Việt Nam. Cầu được thiết kế bởi kiến trúc sư tài hoa của nhân loại - người đã thiết kế nên tháp Eiffel.

Vai trò của kiến trúc sư Gustave Eiffel trong việc thiết kế cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền và cầu Ghềnh đến đâu hiện vẫn còn được nghiên cứu. Điều dễ thấy là hình dáng thiết kế cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai giống hệt cầu Tràng Tiền qua sông Hương ở Huế.

Khác với phong cách thơ mộng của chiếc cầu thép như chiếc lược ngà nổi bật giữa màu xanh của dừa, xoài, cầu Ghềnh nháo nhào người qua lại, vội vàng, lo lắng. Xe tải, xe ba gác, xe máy, xe đạp đua nhau lên cầu. Thỉnh thoảng một con tàu xuyên Việt mười hai toa lại ầm ầm phóng qua. Kẹt đường ở hai đầu cầu dài cả cây số.

Các nhân viên gác chắn tặc lưỡi nói với tôi: “Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mới chuyển đổi công năng của cầu đường sắt thành cầu đường bộ. Về nguyên tắc thiết kế, người và xe thô sơ chỉ được lưu thông ở phần hành lang nhỏ của cầu Ghềnh thôi”.

Tại cầu Ghềnh, người ta đã tận dụng mặt cầu, lát thép lên hai bên đường ray, người và xe cộ cùng đi lại ngay bên trong lòng chiếc cầu đường sắt.

Không có tàu, lập tức người cùng các loại xe tràn ngập cầu Ghềnh.

Cần mẫn anh gác ghi

Con đường sắt độc đạo xuyên đất nước làm từ thời Pháp thuộc. Các đoàn tàu qua cầu Ghềnh vượt sông Đồng Nai tiến vào Sài Gòn.

Anh Tiệp, nhân viên gác ghi nói với tôi mỗi ngày 15 chuyến tàu khách qua lại cầu Ghềnh nối liền Trung, Nam, Bắc. Tàu chạy rải rác suốt ngày. Tàu hàng giờ giấc và hành trình không cố định như tàu khách. “Một ban trực từ 6h sáng đến 14h, có hôm đón 6 chuyến tàu hàng”- anh Tiệp nói.

Lòng cầu Ghềnh quá hẹp, vì vốn dành riêng cho tàu chạy. Nếu lưu thông hai chiều cầu sẽ tắc ngay. Người gác chắn ra hiệu lệnh cho phép người xe từ bờ Bắc đi vào Nam trong vòng bao nhiêu phút, sau đó tạm dừng. Đến lượt người xe từ bờ Nam được đi ra Bắc mấy phút. Cứ thế, luân phiên nhau mà tận dụng chiếc cầu trăm tuổi.

Nhiệm vụ của những người gác chắn cầu Ghềnh là phải tìm mọi cách ngăn chặn dòng người và xe cộ như dòng thác tràn vào cầu, khi tàu lửa đang vun vút hướng về sông Đồng Nai. Công cụ ngăn chặn của họ có đèn đỏ, rào chắn, gậy điều khiển, bảng điều khiển.

Anh Lĩnh, một nhân viên gác chắn 15 năm trong nghề nói với tôi: “Chúng tôi không phải công an nên không phạt được ai”.

Mỗi đầu cầu trong ca trực chỉ có hai anh em. Người lo cho tàu, người lo cho khách. Người ta thì ai cũng vội, cứ tràn vào sát đường ray. Xung quanh cầu tắc đường cả cây số. Không khí căng như dây đàn. “Khi tình hình nguy hiểm quá, chúng tôi phải gọi công an trợ giúp” – anh Tiệp kể.

Lòng cầu Ghềnh quá hẹp, vì vốn dành riêng cho tàu chạy. Nếu lưu thông hai chiều cầu sẽ tắc ngay. Người gác chắn ra hiệu lệnh cho phép người xe từ bờ Bắc đi vào Nam trong vòng bao nhiêu phút, sau đó tạm dừng. Đến lượt người xe từ bờ Nam được đi ra Bắc mấy phút. Cứ thế, luân phiên nhau mà tận dụng chiếc cầu trăm tuổi.

Anh Lĩnh cho hay các loại ô tô dưới 15 tấn đều được chạy qua cầu Ghềnh, chưa kể xe máy, xe ba gác, xe đạp: “Một ngày không thể thống kê nổi bao nhiêu lượt người xe qua lại miễn phí trên cầu Ghềnh. Cách đây 4 cây số có cầu đường bộ qua sông đấy. Nhưng cầu ấy xa hơn, lại có trạm thu phí nên xe cộ vẫn chen nhau đi qua cầu Ghềnh”.

“Hậu” vụ án

Anh Lĩnh nói với tôi: “Nếu anh lên mạng internet tra cụm từ vụ án cầu Ghềnh sẽ ra hàng đống kết quả”.

Cách đây hai năm, vào một buổi tối mùa xuân, một chiếc taxi không tuân hiệu lệnh của gác ghi, tự động chạy vào lòng cầu khi tàu khách sắp tới. Chiếc xe ấy còn kéo theo 5 chiếc ô tô khác kẹt trên cầu.

Mặc dù đã phanh, nhưng con tàu chở đầy khách trên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn đã ủi bay đoàn xe ô tô. Khung cảnh cầu Ghềnh tang thương như bị một trận bom.

Anh Lợi bên chiếc hộp liên lạc tín hiệu (phải) thay cho bảng xin đường thủ công cầm tay
Anh Lợi bên chiếc hộp liên lạc tín hiệu (phải) thay cho bảng xin đường thủ công cầm tay.

Anh Lợi bảo tôi: “Sau vụ tai nạn, tất cả nhân viên gác chắn hai đầu cầu ca trực ấy đều bị bắt để điều tra. Đến nay vụ án chưa xét xử, anh em cũng chưa thấy về”.

Anh Lĩnh nói năm ngoái công ty có hơn 80 đơn xin nghỉ việc, “chủ yếu anh em trẻ không chịu nổi áp lực và lương bổng”. Những người ở lại tiếp tục động viên nhau bám trụ mặt cầu.

“Lái tàu, gác ghi hay tài xế taxi, ai sai, chờ tòa xử mới biết anh ạ”- anh Lĩnh trầm ngâm.

Suốt mấy tháng liền sau đó công nhân phải làm việc trong không khí căng thẳng. Người dân nghĩ do gác ghi sơ suất nên tàu đâm vào dân.

Anh Lĩnh nhớ lại: “Họ thường dừng lại chửi mắng chúng tôi, nhìn chúng tôi với cặp mắt giận dữ. Nếu chúng tôi cự lại, họ dọa đánh. Thực sự khi tai nạn xảy ra chúng tôi cũng rất đau buồn. Anh em đã ra sức ngăn, nhưng ô tô vẫn cố lao vào lòng cầu”.

Anh Lợi cũng nói: “Chúng tôi phải bỏ ngoài tai tất cả dư luận, để tập trung vào công việc trước mắt”.

Lĩnh đã làm việc 15 năm trong ngành, thu nhập một ca trực của anh là 115.000 đồng bao gồm cả tiền ăn. Hồi bao cấp, làm ngành đường sắt chế độ cao, giờ thu nhập thấp hơn các ngành khác.

Lương anh Lợi bậc 6, gần hết bậc rồi, nhưng mỗi ca trực 8 tiếng được 124.000 đồng. Nhiều hôm anh không dám ăn sáng mà chỉ ăn cơm nguội rồi đi lên cầu Ghềnh trực ban.

Mặt cầu Ghềnh đang được sửa chữa để tiếp tục phục vụ ô tô xe máy lưu thông trong thời gian tới
Mặt cầu Ghềnh đang được sửa chữa để tiếp tục phục vụ ô tô xe máy lưu thông trong thời gian tới.

“Nhiều bà con thông cảm với chúng tôi, nhưng không ít người xuyên tạc sự việc, họ bảo khi tai nạn xảy ra người ta sợ quá nhảy xuống sông Đồng Nai rất nhiều. Sự thật không có ai nhảy xuống sông và có 2 người tử vong trong ô tô thôi. Áp lực dư luận lớn quá, anh em nghỉ nhiều. Đủ quân số mỗi người một tháng chỉ làm 26 ca, nhưng giờ, nhiều tháng tôi phải trực 47 ca” – anh Lợi nói.

Để tập trung cao độ cho công việc, phòng gác ghi không có đài, không ti vi, chẳng phương tiện giải trí gì. Những chuyến tàu an toàn, những lượt người qua sông bình yên là niềm vui đối với người gác ghi.

Một niềm vui mới với anh Lợi đó là cái máy bộ đàm và hệ thống đèn tín hiệu mới được trang bị cho cầu Ghềnh.

“Trước đây, muốn xin cho dòng khách bên này qua sông, chúng tôi phải cầm một cái biển báo to bằng cái đĩa, ra giữa mặt cầu giơ cao, để anh em chốt bên cầu kia nhìn thấy, không cho xe cộ bên đó sang nữa”. Cái cầu dài 700 mét, trời nắng, trời mưa, “đứng hai đầu cầu căng mắt nhìn nhau mà xin đường”.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, cầu Ghềnh đã được sử dụng bộ đàm để liên lạc. Một bộ liên lạc bằng tín hiệu giữa hai đầu cầu Ghềnh cũng được lắp. Bên này xin đường chỉ việc bấm nút, bên kia đồng ý sẽ bấm nút trả lời. Thế là dòng người bên này được phép ào ào qua sông.

“Thao tác hiện đại mà không cần ra cầu đứng dưới nắng mưa nữa – anh Lợi nói – Xe cộ cũng không thể theo chân mình mà leo lên cầu như hồi trước”. 11-2012

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG