Phận đời nghèo khó của hai cựu thanh niên xung phong

Nữ cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Lưu bên căn nhà của mình
Nữ cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Lưu bên căn nhà của mình
TP - Bà Phạm Thị Lưu (SN 1950) và bà Võ Thị Liệu (SN 1950), đều trú ở bản Chiềng Ban (xã Châu Thắng, huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An). Hai cựu thanh niên xung phong (TNXP) sống những ngày khó khăn nơi núi rừng miền tây xứ Nghệ.  

Cô đơn giữa đại ngàn

Mất cả ngày trời chúng tôi mới đặt chân tới bản Chiềng Ban. Hỏi đường tới nhà bà Lưu, một số người dân bản nói, các chú thấy nhà nào nghèo nhất là nhà bà ấy. Từ dưới chân núi nhìn lên, nhà bà Lưu chẳng khác nào ngôi nhà “chị Dậu”. Chỉ là mấy tấm lá cọ được lợp phủ lên trên bốn phía làm mành tre che chắn. Có người hay tin  phóng viên muốn tìm gặp, bà Lưu chạy từ nương rẫy trong rừng về vội vàng xô phên cửa mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà của bà Lưu nên gọi “túp lều” thì đúng hơn. Không có bàn ghế. Bà Lưu mời chúng tôi ngồi bệt giữa nền nhà đất và đưa cho xem bộ hồ sơ về quá khứ đi TNXP của mình kèm theo cuốn sổ hộ nghèo.

“Nhiều hôm trời mưa to ướt sũng, tôi phải ngồi dậy thức thâu  đêm, rồi quàng lấy áo mưa tìm góc nhà ngồi để tránh ướt.

 Chỉ cần trận gió nhẹ là đã tốc hết mái  lên rồi nên mỗi mùa mưa bão đến là nằm lo ngủ không được . Vì cứ sau một trận mưa là ngôi nhà lại nhão nhoẹt nền đất, bếp núc không đỏ được lửa mà nấu ăn”.

Cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Lưu

Sinh ra và lớn lên trong gia đình người dân tộc Thổ, trú  ở xã Nghĩa Quang  (huyện Nghĩa Đàn), cùng với bao bạn bè trang lứa, năm 1972 bà Lưu xung phong lên đường gia nhập TNXP. Sau khi gia nhập đơn vị 2712- N-271 -P27 Tổng đội TNXP Nghệ An thì bà Lưu được điều vào Bình -Trị -Thiên để phục vụ kháng chiến. Những ngày nằm trong tuyến lửa, bao đồng đội của bà  đã hy sinh nằm xuống vĩnh viễn với núi rừng. Riêng bà may mắn sống sót và được đơn vị cho quay trở ra với đơn vị C327-N71-P27 đóng ở Truông Bồn, Nghệ An. Những ngày tháng ở đây cũng nhận nhiều trận mưa bom, bão đạn khốc liệt.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà Lưu được xuất ngũ và trở về quê hương. Cuộc đời bà bắt đầu rẽ sang hướng khác với nhiều lận đận và thua thiệt. Bố mẹ qua đời, nữ cựu TNXP phải sống với vợ chồng nhà chị gái. Năm 1979, bà Lưu lấy chồng và về định cư ở tận bản Chiềng Ban (xã Châu Thắng) từ bấy giờ tới nay. Hai vợ chồng quần quật lao động trên nương,trên rẫy, rồi vào rừng săn bắn, hái lượm quanh năm, thế nhưng cuộc sống ngày một chồng chất khó khăn.

Bà sinh được 5 người con, 2 trai 3 gái. Bốn đứa con đầu chưa kịp lớn thì đã rời bỏ quê hương đi biệt vào miền Nam lập kế sinh nhai. Đúng lúc cậu trai út lên đường nhập ngũ thì cũng là lúc ông chồng quyết định ly dị bà để đi lấy bà vợ khác cũng ở gần đó. Cuộc sống bắt đầu cay cực từ đây. Trước khi ly dị, ông chồng lặng lẽ bán hết đồ đạc, nhà cửa. Thấy hoàn cảnh cơ cực của một cựu TNXP, bà con bản làng đã tập trung lại dựng giúp bà căn nhà chẳng khác nào một túp lều tranh trên triền núi  của bản làng Chiềng Ban.

Nhiều hôm trời mưa to ướt sũng, tôi phải ngồi dậy thức thâu  đêm, rồi quàng lấy áo mưa tìm góc nhà ngồi để tránh ướt. Chỉ cần trận gió nhẹ là đã tốc hết mái  lên rồi nên mỗi mùa mưa bão đến là nằm lo ngủ không được. Vì cứ sau một trận mưa là ngôi nhà lại nhão nhoẹt nền đất, bếp núc không đỏ được lửa mà nấu ăn”, bà Lưu than thở. 

Các con của bà chỉ vì cuộc sống nơi miền sơn cước nghèo khó mà lần lượt “ly hương” tìm kế sinh nhai, không hề giúp gì được cho người mẹ đáng thương của mình. Bước sang tuổi xế chiều, bà Lưu ngày đêm thui thủi một mình vào ra bên túp lều tranh ở núi rừng Chiềng Ban. Được biết, chính quyền địa phương có chia cho nữ cựu TNXP này một ít diện tích đất nương rẫy để trồng lúa nhưng tuổi đã cao, sức yếu, đau ốm quanh năm nên bà Lưu không làm nổi. Bà chủ yếu phải sống nhờ vào gạo cứu đói hàng năm hỗ trợ, chia cho các hộ nghèo.

Tủi hờn thân phận không con

Bà Võ Thị Liệu (trú ở bản Chiềng Ban) cũng có hoàn cảnh cơ cực không kém gì bà Phạm Thị Lưu. Một số bà con bản làng Chiềng Ban cho biết, hai vợ chồng bà Liệu không có con. Vào tận nơi, trước mắt chúng tôi là một người đàn ông bị điếc tai, gọi mãi không thấy trả lời. Một người dân địa phương tên Huyền cho biết, đó là ông Sầm Văn Châu (người dân tộc Thái- chồng bà Liệu). Ông Châu bị bệnh điếc tai từ lâu. Vì thế, ai nói gì ông cũng không nghe. Mặc dù nhìn bề ngoài, căn nhà được làm bằng gỗ có vẻ bề thế hơn “túp lều tranh” của nhà bà Lưu. Nhưng mục sở thị thì mới biết, ngôi nhà đã bị mối mọt ăn sắp sập.

Bà Liệu cho biết, đã lâu do sợ nhà sập nên hai ông bà thường xuyên dọn đồ ra thềm, xuống bếp để ngủ. Biết vậy, nhưng ông bà tuổi đã cao, sức yếu, bệnh tật quanh năm không biết lấy gì mà sửa lại. Được biết, bà Liệu sinh ra và lớn lên ở vùng quê Diễn Thọ (huyện Diễn Châu, Nghệ An). Thuở nhỏ, bà theo bố mẹ lên vùng kinh tế mới huyện Nghĩa Đàn để sinh sống. Ngày 10/2/1967, bà đã xung phong gia nhập TNXP để vào chiến trường phục vụ kháng chiến. Sau đó được phân về đơn vị C53-N53-P18. phục vụ ở các tuyến lửa Hà Tĩnh. Đến ngày 8/6/1971, bà Liệu trở về địa phương.

Đến năm 1986, bà Liệu theo ông Sầm Văn Châu (trú bản Chiềng Ban, xã Châu Thắng, huyện Quỳ Châu) về làm vợ lẽ. Oái oăm thay, hai ông bà về sống với nhau từ đó đến nay vẫn không có con. Đã thế, cuộc sống vật chất ngày càng khó khăn hơn, khi tuổi ông bà ngày mỗi già yếu kèm theo nhiều căn bệnh tuổi già hành hạ nên ông bà không còn  đủ sức lao động. Họ không biết bấu víu vào đâu, hằng ngày chỉ biết sống nhờ vào sản xuất mấy sào nương rẫy và gạo cứu đói hộ nghèo.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.