Hình như chưa đêm nhạc nào diễn ra ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia mà hàng người xếp hàng chờ qua cửa soát vé lại dài đến độ ngoằn ngoèo như thế. Tất nhiên không ít người được tặng vé. Giá vé ngang ngửa với các đêm nhạc thị trường - 600 nghìn đến 2,5 triệu đồng/cặp.
Chương trình có một số nhà tài trợ nhưng không ra mặt. Có thể hiểu là kinh phí không phụ thuộc tiền bán vé. Vậy nên nếu giá vé mềm hơn một chút chắc sẽ còn nhiều người thực sự yêu thích Phạm Tuyên đến được đây.
Điều thú vị nữa là cũng chưa đêm nhạc nào mà tuổi tác khán giả lại chênh nhau nhiều đến thế. Từ cháu bé mẫu giáo đến ông cụ tóc bạc phơ hay bà cụ lưng còng lên bậc thang phải dắt đều thấy xuất hiện “nhan nhản” trong đêm 14/1.
Đây là những đối tượng đặc biệt ít thức khuya và cũng ít ra ngoài. Nên việc đêm nhạc diễn ra muộn, lại bị “cháy” kịch bản (ví dụ, phần ba Những nốt nhạc cho tuổi thơ chậm đúng 1 tiếng so với kịch bản) khiến một số khán giả phải ra về trước khi đêm diễn kết thúc vào 23h30.
Ba tiếng của chương trình chia làm ba phần. Phần đầu thuộc về các bản chính ca kết thúc bằng Như có Bác trong ngày vui đại thắng, cũng là phần có nhiều giai điệu phổ cập nhất thường trực trên sóng phát thanh của Phạm Tuyên.
Phần hai Những nốt nhạc từ trái tim gồm những giai điệu đỡ quen tai hơn, mở đầu bằng tiếng hát của hai NSND Thanh Hoa và Trung Kiên. Không hiểu sao trong chương trình này, các nghệ sĩ lão thành, kể cả NSƯT Mạnh Hà đều hát dưới phong độ. Giá những bài như Khúc hát ru của người mẹ trẻ, Gửi nắng cho em giao cho những nghệ sĩ trẻ đảm bảo hiệu quả âm thanh, chưa nói đến cảm xúc, sẽ hơn nhiều. Hoặc dàn dựng theo kiểu chuyển giao thế hệ giống như Việt Hoàn hát chung với Mạnh Hà Chiếc gậy Trường Sơn sẽ an toàn hơn. NSND Trần Hiếu vẫn giữ được sự hào sảng trong phong thái và giọng ca nhưng cũng còn vì ông được giao hát bài thiếu nhi Chú voi con ở bản Đôn cùng Jayden Trịnh và tốp ca nhỏ tuổi. Khán giả thích thú khi thấy lão nghệ sĩ 80 tuổi lắc hông, ngoáy mông vẫn còn dẻo phết.
Phạm Tuyên có biệt tài viết “nhạc đỏ” như tình ca, tức là giai điệu đẹp và hết sức tự nhiên. Riêng nhạc tình ca của ông nặng tính tự sự, nghe như nocturne (những bản nhạc trầm lắng dành để nghe ban đêm, trước khi đi ngủ). Hẳn là giờ hành chính ông đã dành hết tâm huyết cho những bài ca hào hùng, ban tối mới là giờ tự tình bằng âm nhạc?!
Hát tình ca Phạm Tuyên sao cho hay là một thách thức vì nhiều nốt thấp, ít cao trào. Tuy nhiên, những giọng ca thế hệ sau như Vũ Thắng Lợi, Thanh Lam, Lan Anh đã làm tốt Giá em đừng yêu anh, Năm bông hồng trắng, Lời ru của đêm… Trọng Tấn hợp với nhiều bài của Phạm Tuyên, nhất là chính ca, rất tiếc chỉ hát tốp mà không được hát đơn trong chương trình.
Hai phần đầu chủ yếu tập trung vào âm nhạc, ca sĩ hát cùng dàn nhạc hùng hậu. Một màn chiếu lớn chạy suốt phông nền sân khấu chiếu lại các thước phim tư liệu với nhiều hình ảnh hiếm. Chẳng hạn tàu điện đã quen thuộc nhưng lần này khán giả được thấy cả xe buýt điện từng chạy trên đường phố Hà Nội một thời gian ngắn. Nhưng có vẻ như phần này cũng hơi bị tham, mặt khác hình ảnh không rõ nét cho lắm, nhất là khán giả ngồi cuối khán phòng bị mấy thanh sắt treo đèn chắn ngang màn hình nên hiệu quả thị giác cũng bị giảm sút. Tóm lại có thể lược bớt 2-3 bài không phải tiêu biểu lắm giảm tải cho hai phần đầu, để thêm đất cho phần ba chính là phần không chỉ khán giả nhí mong đợi. Nhưng có lẽ để làm nổi bật vai trò “người viết sử bằng âm nhạc” của tác giả, hai phần đầu cũng phải đủ bằng đấy bài.
Ngay từ những tiếng hát thơ ngây mở màn với bài Chiếc đèn ông sao cất lên, khán giả đã cảm thấy nhẹ nhõm nhưng ngay sau đó là sự xuất hiện của tốp ca “lão sinh quân” (thiếu sinh quân trước đây từng học thầy Phạm Tuyên) hát lời hai của bài này. Chiếc đèn ông sao một lần nữa vang lên ở phần ba thay cho bài hát mừng thọ nhạc sĩ. Phạm Tuyên tươi cười ngồi giữa sân khấu, xung quanh là bầy cháu nhỏ cầm đèn ông sao và hát trong ánh sáng sân khấu lung linh. Một lễ mừng sinh nhật không thể đẹp hơn với bất cứ nhạc sĩ nào. Sắp bước sang tuổi 88, “nhạc sĩ của tuổi thơ” nói: “Nhiều người yêu trẻ như tôi. Chẳng qua các em nhớ các bài hát của tôi. Cảm ơn các em”.
Phần ba vẫn không có kỹ xảo thị giác gì đáng kể ngoài việc tấm màn chiếu cuộn lên để lộ hình nhạc sĩ và tên chương trình. Đồng thời xuất hiện dàn hợp xướng thiếu nhi với đồng phục màu sắc đẹp mắt. Các em cầm cái gì đó trong tay mà đến hết bài Cánh én tuổi thơ khán giả mới biết là máy bay giấy. Những chiếc máy bay vừa được phóng xuống lại được khán giả phóng lên. Đồng thời hàng ngàn quả bóng bay từ tầng hai cũng được thả xuống trong tiếng nhạc Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội. Thêm tiếng pháo nổ (tạo thành bởi các quả bóng bị vỡ), đêm nhạc đã có một cái kết trọn vẹn để nhớ nhiều hơn quên.
Nhiều bài hát nổi tiếng của Phạm Tuyên gắn với tuổi thơ của con gái út- Hồng Tuyến. Chính do “đặt hàng” của các cô mẫu giáo của Tuyến mà Phạm Tuyên bắt đầu sáng tác cho lứa tuổi này: Trường của em là trường Mầm Non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan. Khi con gái vào lớp 1, ông viết Chúng em là học sinh lớp 1. Tuyến 11 tuổi, thầy giáo có lệnh tổng động viên, và bố lại viết Tiễn thầy đi bộ đội. Sau đó tình hình ổn định, lớp của Tuyến không phải tiễn thầy, mà lại có thêm bài để hát...