Nhạc sĩ Phạm Tuyên và 700 bài hát tặng vợ

TP - Theo thống kê của chính nhạc sĩ, đã có ít nhất 13 đêm nhạc Phạm Tuyên tổ chức khắp nơi: Hà Nội, TPHCM, Huế, Quảng Bình, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ… Điểm chung của các đêm nhạc này là nhạc sĩ không phải lo gì về khâu tổ chức cũng như chuyên môn. Ông chỉ việc đến và nghe tác phẩm của mình vang lên. Đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 88 của ông tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tới đây cũng không ngoại lệ.

Quy mô của đêm nhạc Nhớ và quên 14/1/2017 của ông lớn nhất từ trước đến nay. Nhưng ông vẫn không tham gia tổ chức. Tại sao vậy, thưa ông?

Đây là đêm nhạc đầu tiên gia đình đứng ra tổ chức cho tôi. Tôi hỏi con tôi đêm nhạc có gì, nó bảo bí mật. Các đêm nhạc của tôi trên toàn quốc không nơi nào tôi biết trước nội dung. Chính đấy là phần thưởng lớn nhất cho người sáng tác là bài hát có chỗ đứng trong quần chúng.

Lần tôi lên Cao Bằng dự một cuộc mít-tinh cách đây 10 năm. Cuối cuộc mít-tinh tự nhiên người ta vỗ tay hát bài Như có Bác. Tôi mới hỏi anh thanh niên bên cạnh, bài này là bài gì. Anh ấy bảo: “Bài này mà bác không biết à, bài này trên này chúng em gọi là bài Giã bạn!”. Anh thanh niên dẫn tôi vỗ vai tôi bảo: “Để em hỏi… Thế cậu có biết tác giả của nó là ai không?”. Anh kia lắc đầu. Tôi bảo, thôi đừng nói, cứ để thế. Người ta không cần biết mình. Chỉ cần hát tác phẩm của mình là được.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên và 700 bài hát tặng vợ ảnh 1 Nhạc sĩ Phạm Tuyên. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Ông có thể kể về sáng tác đầu tiên và sáng tác mới nhất của mình?

Bài hát đầu tiên Đường về trại tôi viết về anh bộ đội và em thiếu nhi năm 1949. Khi đó tôi đang học trường sĩ quan lục quân. Gần đây có lẽ phải 3-4 năm, tôi không viết nhạc mấy. Chỉ thỉnh thoảng phổ thơ của bạn bè.

Là tác giả của nhiều bài hát phổ biến trong đại chúng, số tiền tác quyền nhạc sĩ nhận được có đủ sống?

“Con gái tôi đi học mẫu giáo, cô giáo biết bố nó là nhạc sĩ. Cô bảo, về nói bố sáng tác cho trường một bài. Lúc ấy tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ sáng tác cho mẫu giáo vì tôi không hiểu mẫu giáo như thế nào. Tôi nói với con gái, khó lắm bố không viết được đâu. Nhưng nhà tôi động viên, thôi viết cho con nó một tí. Con gái lại bảo, bố mà không viết là con không đi học nữa. Sợ quá, tôi phải viết bài Trường của chúng cháu là trường mầm non. Các cô giáo thích lắm, hát luôn”. 

Nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trước khi có Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, đúng là tôi không nhận được bất cứ thù lao nào. Từ khi có trung tâm, điều làm tôi ngạc nhiên nhất: Các nhà tổ chức âm nhạc phía Nam, đòi bản quyền là họ nộp ngay. Chứ còn miền Bắc bảo, phục vụ chính trị là không có tiền. Cho nên thu nhập về sau chủ yếu từ các đơn vị sử dụng âm nhạc của tôi ở miền Nam. Vừa rồi anh Phó Đức Phương nói trên đài: “Một nhạc sĩ không phải thị trường nhưng quý vừa rồi nhận được gần 100 triệu tiền bản quyền là anh Phạm Tuyên”. Tất nhiên không phải lúc nào cũng được như thế... Dù sao tôi cũng xin tiết lộ để các bạn yên tâm, tôi có ra đi cũng không đến nỗi trong túi không có gì.

Ông nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng ông làm chính trị bằng âm nhạc?

Có lẽ đó là một sự gán ghép thôi, chứ việc tôi sáng tác là tự bản thân mình nghĩ phải viết gì và động viên gì. Âm nhạc có hai chức năng giải trí và động viên. Lúc tôi bắt đầu sáng tác, nhạc sĩ đàn anh của tôi là Lưu Hữu Phước có nói: “Trong kháng chiến âm nhạc là một võ khí”. Rõ ràng nhạc tôi viết động viên người nghe thành một lực lượng để chiến đấu. Tôi viết Chiếc gậy Trường Sơn ở Hòa Xá lúc ấy tặng cho thanh niên nông thôn thôi. Không nghĩ rằng về sau lực lượng thanh niên đi vào Nam ai cũng hát. Nó như nguồn động viên để người ta vượt Trường Sơn đi cứu nước. Thời kỳ tôi làm báo ở Đài Phát thanh, lúc ấy luôn có câu nhắc của Bác Hồ hay sao ấy, tôi không nhớ: Viết để làm gì, viết cho ai và viết như thế nào. Nếu viết để tự ca ngợi, nói cái riêng tư của mình là chuyện khác. Nhưng viết để động viên mọi người thì phải tìm cách viết cho phù hợp. Những bài hát của tôi thường cố gắng đi vào từng đối tượng. Và tôi cho rằng nó không gượng ép.

Mọi người ít biết đến mảng tình ca lứa đôi của ông, hình như ông hơi “bỏ bê” mảng này?

Những bài tình ca tôi viết lúc đầu ít người biết. Năm 2000, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đêm nhạc của tôi toàn bài viết về phụ nữ, trong đó có nhiều bài tình ca. Chỉ có mỗi người hiểu tình ca một cách. Hồi tôi sang Pháp tôi viết một bài thì các cô ca sĩ Việt kiều coi như tình ca của các cô ấy.

Có ca khúc nào dành riêng cho vợ?

Dành riêng cũng không hoàn toàn. Có một số bài khi tôi viết xong, nhà tôi góp ý kiến nên thế nọ thế kia, mình sửa sang lại thì nó gần như là viết cho bà ấy. Bây giờ bảo nhớ lại những bài đó, tôi không nhớ được hết… Thôi tôi tặng cho nhà tôi cả 700 tác phẩm, bài gì cũng có dáng dấp của bà ấy cả.

Ông đã làm quen với bà như thế nào?

“Cuộc đời của nhạc sĩ Phạm Tuyên như một cuốn tiểu thuyết với nhiều cung bậc khác nhau suốt một giai đoạn lịch sử rất dài của đất nước. Trong đó có biết bao sự kiện gắn liền với đời sống của mỗi con người. Như tên của chương trình và cũng tên một bài hát của nhạc sĩ, có những cái chúng ta không được phép quên, nhưng cũng có những cái chúng ta cần quên đi để sống cho hoàn toàn thoải mái”. 

Nhà báo Lại Văn Sâm

Tiếc là tôi không thể nói ở đây, nhưng vợ tôi vừa viết hồi ký Chúng tôi đã sống như thế, mở đầu nói chuyện riêng của gia đình, hoàn cảnh lý lịch hai vợ chồng. Đưa NXB Phụ Nữ, họ bảo: “Chúng tôi chỉ in phần nói về bà ấy thôi, phần về ông Phạm Tuyên chúng tôi cắt”. Đưa sang NXB Tri Thức, ông Chu Hảo bảo: “Không cần cắt đâu, tôi chịu trách nhiệm”. Thế là in. Lúc phát hành, tôi bảo đề đằng sau là “Sách không bán”, tôi đi tặng bạn bè, tặng học sinh của bà ấy toàn là giám đốc Sở Giáo dục. Trong Nam gọi điện ra: “Quyển ấy bọn em phải mượn nhau đi photocopy. Như thế tốn tiền mà không hay”. Cách đây 3 tháng, NXB Tổng Hợp TPHCM gọi điện: “Vì nhiều người yêu cầu quá nên xin phép gia đình cho chúng tôi tái bản. Nếu cần thì bổ sung”. Gia đình thống nhất thêm một số ảnh. Sách hình như đã ra đến Hà Nội.

Ông có phương pháp dưỡng sinh gì để vẫn giữ được sự minh mẫn ở tuổi U88?

Tôi chả dưỡng sinh gì. Có lẽ mọi người hơi ngạc nhiên, tôi một ngày ít nhất phải dành 3 tiếng để đọc sách. Thế hệ nhạc sĩ trẻ hiện nay được đào tạo về âm nhạc rất kỹ nhưng phông văn hóa ít quá. Nghe một số bài hát nửa tiếng Anh nửa tiếng Việt, tôi chả hiểu như thế nào. Hiện tượng du nhập các loại âm nhạc tôi không phản đối. Thế hệ hiện nay phải có tiết tấu, phải rap, thế nhưng không vì thế mà nói lăng nhăng trong nội dung. Tôi có góp ý với Đài Truyền hình, đừng bắt thiếu nhi trở thành người lớn sớm quá. Bắt một em nhỏ hát Thị Mầu lên chùa (hỏi nó Thị Mầu là ai chắc nó không biết đâu), thế là cho nó giải. Gần đây các chương trình ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình coi thiếu nhi như một diễn viên để làm người lớn vui thôi. Phải động viên các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi, chứ không nguy hiểm.

Năm 1985, nhạc sĩ Phạm Tuyên nhận Huân chương Lao động hạng Ba cho ca khúc Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Tới nay đây vẫn là lần đầu tiên và duy nhất, huân chương này được trao cho một bài hát.

MỚI - NÓNG