“Sến” ra đời từ một lời đánh cược
Đối với cuốn “Sến” in lần đầu 3.000 bản và “dự là bán chạy”, Phạm Trung Tuyến (hoặc có thể gọi là Lão Phạm, hoặc Một đồng chí Tuyến) bảo, anh nhận lời viết nó từ một thách thức. “Trong một cuộc chuyện với bạn, chúng tôi tranh luận về thiền. Bạn nói: thiền là cái gì đó rất quan trọng trong cuộc sống, là một thứ mode đương đại, có gì đó kỳ bí! Tôi bảo: thiền là thái độ! Ví dụ, trong công việc, nếu có thái độ bình thản, ung dung thì đó là thiền việc. Đối với tình dục, tình yêu thản nhiên là thiền tình... Bạn không đồng ý muốn tôi chứng minh! Lúc đó mới dịch “50 sắc thái”, tôi bảo sẽ viết 100 sắc thái thiền tình. Và cam kết nó sẽ là format kiểu nào. Sau đó thì mỗi tuần viết một hai truyện. Song đến khi in vì một số truyện hơi riêng tư, tôi có cắt đi một số”.
Hậu của “Sến”, “đồng chí Tuyến” được số tiền cược nhiều hơn cả nhuận bút sách. Cũng có một vài phản hồi đại loại: sao anh lại viết chuyện của em ra? Tác giả trả lời: đó là chuyện của anh, không phải chuyện của em!
Phạm Trung Tuyến bảo rằng, trong cuộc sống, quan trọng nhất đối với anh là niềm vui. Mọi thứ đều cần vui. Và nếu đùa cợt được thì nên đùa: trong tất cả mọi chuyện. Hơn một lần anh nhấn mạnh đến tác dụng “mua vui” trong các tác phẩm của mình. Anh coi việc viết lách là một lợi ích của bản thân. Lợi ích ấy có thể là tiền bạc, là niềm vui, là nhu cầu giải tỏa. Giống như việc chơi thể thao!
Độc giả đọc “Sến” thường phản hồi rằng sách dễ đọc, văn phong mượt mà, trôi chảy, hóm hỉnh v.v… Tác giả kể rằng: thói quen khi viết của anh là đọc nhẩm. Viết truyện, thơ, bình luận hay viết facebook anh đều có thói quen nhẩm lại sau khi hoàn thành. Đoạn nào thấy trúc trắc, “không thuận miệng” anh đều sửa hoặc bỏ. Đây là thói quen của người làm báo nói. Bất cứ thứ gì không êm tai đều không được “duyệt”.
Tôi là người thực dụng, ích kỷ…
Trong những câu chuyện “đồng chí Tuyến” hay nhấn mạnh đến “tính thực dụng, tính ích kỷ” của mình. “Tôi là người thực dụng” trả lời cho câu hỏi: vì sao thời điểm năm 2009 anh nghĩ đến việc làm báo tương tác bằng việc dựng format cho VOV giao thông? Khi đó, lý thuyết của nhà báo Tuyến là: tương tác là một cách dễ nhất để làm giàu thông tin. Cụ thể ở đây là mời độc giả cùng tham gia. Thời điểm đó, làng báo gần như chưa có những chương trình tương tác quy mô rộng như vậy. Ở thời điểm ban đầu, VOV giao thông còn chủ trương mời những phát thanh viên nói ngọng để làm “chim mồi”. Anh cho rằng: quan trọng nhất của việc làm tương tác là phải xóa bỏ cảm giác ở thính giả “đây không phải là chỗ của mình”.
Và trong khi rất nhiều đồng nghiệp lo lắng về sự biến mất của báo chí trước làn sóng mạng xã hội, Phạm Trung Tuyến khẳng định: anh chưa từng căng thẳng về điều đó. Một lợi thế truyền thống mất đi, sẽ mở ra một lợi thế mới. Và cho dù là phát thanh, truyền hình, hay báo in cũng chỉ là một công cụ để anh sản xuất tin. Trong nghề báo: tin tức là hàng hóa! Cũng không cần thiết phải khoác lên cho nó quá nhiều mỹ từ để dọa thiên hạ.
Người theo dõi facebook của Phạm Trung Tuyến cũng thường hay bị ngạc nhiên bởi khả năng biến hình của anh. Một chốc anh rất hiền lành, tích cực. Một chốc lại đanh đá, cà khịa, thậm chí cố tình gây sự. Tác giả cười bảo: nó phụ thuộc vào tâm trạng và thời gian rảnh. Thường anh viết facebook trong khi đi họp, hoặc đi đám cưới, cuộc họp càng chán các status xuất hiện càng nhiều. Hôm nào tự nhiên có đến ba bốn status liên tiếp tức là anh đang ở một nơi “chán như con gián”!
Một điều “đồng chí Tuyến” cũng hay tự khen mình là: rất biết tự tạo niềm vui! Anh bảo: mỗi người phải có trách nhiệm tạo niềm vui cho mình, để còn lan tỏa cho người khác. Anh không thích thói quen ỷ lại vào những niềm vui “bên ngoài” và đổ trách nhiệm “khuấy động không khí” cho bạn bè. Cho nên, “đồng chí Tuyến” thích uống rượu một mình, vào “đêm khuya thanh vắng” khi các con đã ngủ và mọi việc trong ngày đã xong. Nấu một món ngon, trồng một cái cây, làm thơ, viết báo, lái xe đi đây đi đó… đều là những “niềm vui bé tí” của anh.
Giấc mơ đi
Thưở nhỏ, Phạm Trung Tuyến mơ ước lớn lên làm nhà địa chất, để được đi nhiều. Khi lớn lên chọn nghề báo cũng là tiếp nối giấc mơ đi. Từ hồi sinh viên, mỗi khi dành dụm được một số tiền, anh đều dùng để đi thực tế.
Anh kể: suốt 10 năm tuổi trẻ, đến năm 30 tuổi thì đã đặt chân đến tất cả các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. Các status của anh trên facebook sau này cũng liên quan rất nhiều đến tình hình của các khu bảo tồn. Thế nhưng, bảo anh là người “bảo vệ môi trường” anh không nhận. Bởi “chỉ trùng hợp việc đó làm tôi thấy vui, trồng một cái cây khiến tôi vui, không liên quan gì đến bảo vệ môi trường”! Cũng giống như khi hỏi: anh có chiều độc giả không? Câu trả lời nhận được là: nếu việc đó đó khiến tôi vui tôi sẽ chiều!
Bình thường, khi dứt khỏi công việc, anh thường sẽ chọn cách lái xe đi đâu đó một mình để thư giãn. Và luôn có một mục tiêu: tìm món ngon trên đường! Sau này, trong xe “đồng chí Tuyến” thường có thêm “hai cái đuôi”. Các con anh đều bị lây lan sở thích xê dịch của bố, thậm chí sẵn sàng đi du lịch mà không có phụ huynh đi kèm.
Đi nhiều, chủ yếu tự mày mò, nhưng Phạm Trung Tuyến không thích gọi kiểu đi của mình là phượt. Anh bảo bị dị ứng với từ phượt. Vì không thích theo phong trào. Thói quen của anh là không đề ra đích đến. Chỉ chọn một con đường mà trong cảm nhận “nó hay hay” thì rẽ vào.
Trên đường di chuyển, anh Tuyến có thói quen ghi lại bất cứ điều gì hay ho, kỳ lạ, bất thường, hài hước v.v… Và anh không bao giờ bỏ phí bất cứ thứ gì. Nếu chuyến đi ấy có thể thu thập được nhiều chi tiết cùng số liệu, anh viết phóng sự. Nếu chỉ có chi tiết mà không có số liệu, anh viết truyện ngắn. Nếu cả số liệu và chi tiết đều không có, có mỗi cảm xúc, anh làm thơ.
Phạm Trung Tuyến bảo rằng, trong cuộc sống, quan trọng nhất đối với anh là niềm vui. Mọi thứ đều cần vui. Và nếu đùa cợt được thì nên đùa: trong tất cả mọi chuyện.
Câu chuyện Bếp Phạm
Tác giả của “Sến” bảo: anh không phải là người nấu nướng giỏi, nhưng anh “cứ tin vào trình độ của mình”. Thà tự phục vụ chứ không muốn thuê người giúp việc chỉ vì không thích ăn những món ăn mà không có tình cảm của người nấu trong đó.
“Bếp Phạm” là một thương hiệu tự phong của Phạm Trung Tuyến. Thương hiệu này từng làm nhiều độc giả hiểu nhầm, họ nghĩ anh có sở hữu một
quán ăn.Những món ăn của Bếp Phạm đăng trên facebook không có mấy người khen về hình thức. Song những câu chuyện đằng sau nó và cách kể dí dỏm của anh thường lại thu hoạch rất nhiều like và comment. Người ta vào khen chê món ăn của anh, có thể còn kéo theo rất nhiều câu chuyện “không liên quan” xung quanh nó.
Bạn bè thân với anh đi xa về thường là tặng rượu, hoặc gia vị (toàn những thứ dùng cho đầu bếp). Vào cuối tuần, hai con anh sẽ được thưởng thức những thử nghiệm của bố. Và cho dù “món ăn không hợp miệng thì chúng cũng gật gù vì ông bố đạo mạo của mình thật ra không phải làm cái gì cũng giỏi”.