Sau một lần hụt xem vở nhạc kịch “Chicago” của học sinh trường Amsterdam, Diệu My bày tỏ mong muốn dựng nhạc kịch tại trường mình. Cô giáo tiếng Anh Phan Mỹ Linh, cô giáo dạy nhạc Nguyễn Hải Yến ngay lập tức ủng hộ và đề xuất với ban giám hiệu trường Olympia nâng hoạt động ngoại khóa thường niên lên thành một vở nhạc kịch công diễn với mục đích từ thiện. Lãnh đạo trường lo lắng “kinh phí tốn kém và học sinh diễn nhạc kịch bằng tiếng Anh thì bán vé cho ai?” nhưng rồi trường cũng gật đầu. Trường hỏi Diệu My, làm vở cho mục đích từ thiện hay nghệ thuật? My nói: “Cả hai ạ”.
Là con nhà nòi, bố mẹ đều là giảng viên âm nhạc nhưng Lê Diệu My không biết chơi loại nhạc cụ nào. Từ năm 8 tuổi đến nay My đã có bộ sưu tập huy chương giải thưởng của thi hát hợp xướng, vẽ tranh, tranh biện quốc tế, đạo diễn phim ngắn... mà kết quả học tập năm nào cũng xuất sắc.
Nhạc kịch cho khán giả 12-82 tuổi
Nhóm sản xuất lên danh sách một loạt nhạc kịch ăn khách quốc tế nhưng thấy nội dung hoặc hơi nặng hoặc không phù hợp với khán giả Việt. Cuối cùng vở “Mama Mia” với câu chuyện xoay quanh tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa trên hòn đảo Hy Lạp và nền nhạc là các ca khúc của ABBA được chốt với lý do: khán giả từ 12 đến 82 tuổi đều có thể lắc lư theo giai điệu của đêm diễn.
Kịch bản gốc quá dài nên các bạn phải dày công cắt sửa. Cô giáo Phan Mỹ Linh trong vai trò cố vấn kể, My rất uyển chuyển khi thay đổi những câu thoại không thích hợp thành tình huống hợp với người Việt. “Trong lúc các em tập, các cô muốn xin việc cũng không được. Hỏi “Các con cần giúp gì không?”, tất cả lại đồng thanh “Dạ bọn con tự được cô ạ””.
Lúc mới tuyển tốp diễn viên chính, điều My thấy khó nhất và thích thú nhất là học sinh trường quá nhiều người vừa diễn vừa hát tốt lại nhảy giỏi. Có một bạn lớp trên có năng khiếu mà các vai đã đủ người thế là đạo diễn sáng tạo ra cho bạn ấy vai cô nhân viên lễ tân bị bệnh quan trọng hóa. Vai này gây cười và để nối các đoạn chuyển cảnh. Câu chuyện kịch kể về cô gái Sophia sống cùng mẹ (Donna) trên hòn đảo ở Hy Lạp. Trước ngày cưới, Sophia gửi thư đến Mỹ cho ba người đàn ông mà cô nghĩ một trong số họ là bố của mình. Trong đám khách mời đến đảo dự cưới, có cả hai người bạn gái thân hồi trẻ của Donna. Ba cô bạn hồi trẻ từng hát trong ban nhạc và chơi các bài tủ của ABBA. Nhiều tình huống lãng mạn, hài hước xảy ra với cặp đôi trẻ sắp cưới và những tình cũ cùng Donna. Vở diễn là bữa tiệc âm nhạc ABBA, những điệu nhảy phụ họa của 80 vũ công và những tình huống hóm hỉnh. Trong khi các cố nhân trong kịch hồi tưởng tình xưa, khán giả ở dưới đa số là bố mẹ, ông bà của các diễn viên hình như cũng ngậm ngùi nhớ lại thời nào đó của mình.
Cặp đôi đóng cô dâu chú rể do Thảo Nguyên-Sophia (khối 12) và Đỗ Đức Duy Anh-Sky (khối 10) gặp trục trặc vì Duy Anh gượng gạo không thể tỏ tình và ngại nắm tay chị Thảo Nguyên. Duy Anh tuyên bố “Tớ không thể nói câu “I love you”. Chịu thôi”. Diệu My bảo “ trước tiên cậu hãy hét to câu “I hate you” (Anh ghét em), chĩa vào chị ấy mà hét. Duy Anh làm được ngay. Đạo diễn chỉ đạo tiếp: “Giờ cậu hãy nói “I hate you” nhưng với tông nhẹ dần, dịu dần. Duy Anh làm được. Vẫn tông đó cậu chuyển thành câu “I love you”. Cảnh này trong vở sau đó được khán giả là diễn viên Xuân Bắc khen nức nở “các cháu diễn cảnh ngọt ngào ngọt hơn cả diễn viên chuyên nghiệp”. Hỏi My: “Bạn học được từ đâu phương pháp chỉ đạo diễn xuất đó?”. “Từ suy luận thôi, “không chỉ ý nghĩa câu nói mà tông giọng sẽ làm thay đổi cảm xúc và thái độ”.
Hành trình tập luyện với dàn 80 vũ công để lại cho My nhiều cảm xúc. Mới đầu rất ít bạn tham gia, My tìm đến khối 6,7 để mời gọi thuyết phục. Có bạn chả biết nhạc kịch là gì, có bạn ngại thể hiện. Khi quân số đủ, vấn đề đặt ra là không nhiều bạn có khả năng nhảy và kết nối tập thể. My chia thành nhóm cho các ngôi sao vũ công của trường huấn luyện. Vất vả nhất ở đoạn vỡ bài và ghép các nhóm nhảy hài hòa tổng thể. Giá thuê sân khấu Nhạc viện Quốc gia không rẻ, 25 triệu /ngày nên trường chỉ dám thuê 2 ngày. Các bạn chỉ có 1 ngày ghép sân khấu và đêm sau diễn thật. Sáu tháng các diễn viên chỉ được tập trong phòng thể chất của trường, may thay ra sân khấu thật không có sai sót gì. Dàn nhảy 80 học sinh chia trên 3 tầng sân khấu, thăng hoa trong bài “Dancing Queen”, ngần ấy cánh tay thẳng tắp không lệch một ly, Diệu My hạnh phúc nhớ lại khoảnh khắc.
Đêm công diễn, 750 vé đã bán hết. Dàn diễn viên 100 người không được vé mời người thân mà các phụ huynh tình nguyện mua ủng hộ. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng có mặt trong khán phòng như Xuân Bắc, Công Lý, Lã Thanh Huyền, Mạnh Trường... cảm thấy choáng trước tác phẩm trọn vẹn của các em học sinh. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và thạc sĩ âm nhạc Đặng Châu Anh là phụ huynh của diễn viên Đỗ Đức Duy Anh (vai chú rể) từng biết con mình có tập nhạc kịch tại trường nhưng đây là lần đầu tiên họ được làm khán giả của các con và không ngờ vở diễn lại hoành tráng đến vậy. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã bắt tay chúc mừng Diệu My và chính thức gọi cô là đồng nghiệp.
Hâm mộ những người làm hậu cần
Cũng như phụ huynh của Duy Anh, bố mẹ Diệu My vẫn nghĩ nhạc kịch mà con gái mình dựng là một tiết mục ngoại khóa. Trước đây nghệ sĩ đàn nguyệt Hương Lan chỉ từng xem nhạc kịch cổ điển, “Mama Mia là vở nhạc kịch Broadway đầu tiên tôi được xem. Lúc đầu tôi hơi run sợ các con vụng về, để xảy ra sự cố. Càng xem càng được tháo gỡ dần. Đến cuối thì lâng lâng rồi”. TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, bố của Diệu My xem xong về nhà nói với con gái “Bố thấy ban hậu cần bên con làm việc rất chuyên nghiệp”. My cho đây là lời khen xác đáng khiến cô rất vui. My cho biết, trưởng ban hậu cần là một bạn rất giỏi. Bạn có sáng kiến, đội bưng vác tháo hết giày, đi chân đất để chuyển đạo cụ ra sân khâu cho nhẹ. Không tiếng động và nhanh. Việc chạy tài trợ các học sinh cũng tự đi xin được 230 triệu. Số tiền bán vé cộng tài trợ, cùng với 130 triệu bán đấu giá 2 bức tranh học sinh vẽ sẽ được gom lại trừ chi phí cho vở diễn, số còn lại sẽ được chuyển cho quĩ “Bốn mùa yêu thương” và “Cơm có thịt”... Diễn viên, đạo diễn như mọi lần không lấy cát-sê.
Không hề giả vờ khiêm tốn, My bày tỏ sự hâm mộ với từng năng lực khác nhau của mỗi cá nhân trong nhóm cộng sự.
Với My, thành quả đáng kể nhất là vở diễn đã kết nối các học sinh mà trước đó họ không để ý đến nhau, không thích nhau. Nhiều tài năng được khai phá. Đi đâu trong trường cũng nghe tiếng nhạc ABBA văng vẳng. Cả trăm người trờ thành “gia đình Mama Mia”. Các bạn tự tin, cởi mở hơn sau khi diễn nhạc kịch. Thấy ai đó đang ngủ gật, một người hát nhỏ vào tai “Chiquitita, tell me what’s wrong…” đúng như một cảnh trong vở.
Ban giám hiệu trường không ngờ nhạc kịch lại ăn khách thế và tiếc rằng đã không tổ chức hai đêm diễn bán vé . My lên kế hoạch, năm cuối cấp sẽ tự viết một vở nhạc kịch và dàn dựng. “Trước mắt tôi sẽ học piano trở lại để có thể tự sáng tác. Trước đây khi viết bài hát cho phim, tôi phải nhờ bạn khác thể hiện hộ giai điệu trên đàn”.
Nếu có đam mê thì cái bạn làm không còn là công việc nữa mà là niềm vui
Lê Diệu My
Hiểu việc
Diệu My có vẻ ngoài hồn hậu, dồi dào năng lượng, cách nói chuyện già dặn và ẩn chứa năng lực “hiểu việc” như một phụ nữ tuổi 30. Nghệ sĩ đàn nguyệt Trịnh Hương Lan, mẹ của Diệu My kể từ nhỏ My đã độc lập, mạnh mẽ. Cô bé chỉ học thứ mình thích, cần làm gì đấu tranh bằng được. Năm My 8 tuổi đã một mình theo Trung tâm nghệ thuật Sol Art sang Hàn Quốc tham gia thi Hợp xướng quốc tế. Yêu thích hội họa, năm 11 tuổi, tranh của My được giải đặc biệt tại cuộc thi hội họa quốc tế dành cho trẻ em tại Thiên Tân (Trung Quốc). Đoạt được học bổng khóa học vẽ ngắn ngày tại Đức, My tiếp tục sáng tác theo phong cách hiện thực huyền ảo.
Tham gia Liên hoan phim ngắn khối Các trường quốc tế tại Hà Nội cô cũng từng nhận giải “Đạo diễn xuất sắc” cho bộ phim “Mai Ly”. Mới đây trong cuộc thi Tranh biện quốc tế tại Malaysia, vượt qua 6 vòng đấu loại Diệu My được đứng thứ 13. Tại cuộc thi, giám khảo đưa đề bài liên quan đến tranh chấp biển Đông, Brexit, Giáo dục môi trường…Sau 15 phút chuẩn bị, thí sinh phải lên tranh biện và đưa ra giải pháp cụ thể. Ở nhà, My và bố - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Lê Anh Tuấn thường xuyên có những cuộc tranh luận tương tài tương sức về chính trị xã hội, mẹ cô gái tiết lộ. Xuyên suốt 6 tháng của học tập chính khóa và những cuộc thi cô nữ sinh lớp 10 vẫn sung sức với việc dàn dựng “Mama Mia” sau giờ học.
“Theo cái gì thì huy chương cái đó. Vậy có môn gì bạn thử mà thất bại không”. “My từng học piano nhưng bỏ dở”. “Ngần đấy đam mê cho rất nhiều lĩnh vực bạn ưa thích, túm lại bạn yêu môn nào nhất?. “Tôi thoải mái nhất với môn thể dục và bóng chuyền”.