TPO - Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật diễn ra trang trọng sáng 20/5 tại Nhà hát Lớn. “Sóng gió” của đợt xét tặng này tạm khép lại với niềm vui của các văn nghệ sỹ, gia đình đại diện các cố tác giả nhận giải thưởng.
Chủ tịch nước chúc mừng tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Vĩnh Trong số 18 tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh dịp này có những người rất lận đận như nhà thơ Xuân Quỳnh, Thu Bồn, NSND Trần Bảng, nhạc sỹ Thuận Yến, Đinh Ngọc Liên.
Vợ và các cháu nhạc sỹ Thuận Yến mừng thành công "đấu tranh" cho tác giả "Màu hoa đỏ". Ảnh: Hồng Vĩnh PGS.TS. Lưu Khánh Thơ (đại diện gia đình cố tác giả Xuân Quỳnh) nói: “Mặc dầu có sự chưa thuận lợi trong quá trình xét tặng, nhưng giải thưởng đáp ứng được lòng mong đợi, tiêu chí đề ra đồng thời chính là sự ghi nhận và tri ân của nhân dân, nhà nước với văn nghệ sỹ”. Bà góp ý quá trình xét giải lần này chưa có sự thống nhất và quy chuẩn từ cả phía hội đồng lẫn tác giả và đại diện gia đình.
Ca sỹ Hoàng Bách và mẹ nhận Giải thưởng Nhà nước cho bố anh Trần Hoàng Hải Soạn giả, nhà nghiên cứu, NSND Trần Bảng (người nhiều lần dựng các vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính, Suý Vân) dù tuổi cao nhưng được con trai là NSƯT Trần Lực hộ tống tới nhận giải. Ông kể: “Vở chèo đầu tiên của tôi được Bác Hồ khen ngợi, Bác mời tôi ăn cơm và khuyến khích tôi làm chèo. Tôi phấn đấu cả đời, nay nhận được giải thưởng Hồ Chí Minh tôi mừng, xúc động lắm”, NSND Trần Bảng nói.
NSƯT Trần Lực hộ tống cha là NSND Trần Bảng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Vĩnh Nhạc sỹ Doãn Nho, một trong số 18 tác giả và cố tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh nói về niềm xúc động khi được nhận Giải thưởng mang tên Bác. “Với thế hệ chúng tôi đi lên từ thời tiền khởi nghĩa, cho nên hình ảnh của Bác gắn bó từ chiến khu, sau kháng chiến chống Pháp về tiếp quản Hà Nội, và khi chúng tôi ở chiến trường miền Nam được tin Bác đi xa. Biết bao nhiêu kỷ niệm về Bác. Văn nghệ sỹ mặc áo lính như chúng tôi nhiều lần được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện. Tôi còn nhớ được gặp và chụp ảnh với Bác tại Triều Tiên năm 1957. Khi đó chúng tôi tham dự liên hoan, biểu diễn phục vụ nhân dân Triều Tiên. Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang. Vì vậy hôm nay nhận được giải thưởng tôi thấy vô cùng vinh dự, tự cảm thấy cần cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với Giải thưởng mang tên Hồ Chí Minh”, nhạc sỹ Doãn Nho nói với Tiền Phong.
Nhạc sỹ Doãn Nho xúc động bên người bạn đời khi nhận Giải thưởng mang tên Bác. Ảnh: Hồng Vĩnh Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng, một trong những nhạc sỹ quan trọng nhất về khí nhạc ở Việt Nam hiện nay có thể là một tác giả trẻ tuổi bậc nhất nhận Giải thưởng Nhà nước dịp này. “Đây là giải thưởng khẳng định sự quan tâm của Nhà nước với những người viết khí nhạc. Ở Việt Nam, các nhạc sỹ viết khí nhạc không được truyền thông, không có giải thưởng riêng nào để tôn vinh, an ủi. Đây là giải thưởng duy nhất dành cho người viết nhạc giao hưởng, nếu không những người như chúng tôi chẳng bao giờ được trao giải”, nhạc sỹ sinh năm 1973 nói. Anh là người phối khí cho nhiều chương trình lớn như “Điều còn mãi”, Luala concert, bên cạnh sáng tác ca khúc, khí nhạc trong suốt thời gian qua.
Nhạc sỹ khí nhạc Trần Mạnh Hùng, một người rất trẻ được nhận Giải thưởng Nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh Bên cạnh 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh, dịp này 95 tác giả (đồng tác giả) được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Một số tác giả được giải thưởng nhà nước như đạo diễn Nguyễn Xuân Sơn, Đào Bà Sơn, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Thị Phương Hoa, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, nhạc sỹ Thế Song, nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh, Trần Lâm Biền.
Đồng chí Võ Văn Thưởng trao Giải thưởng Nhà nước cho tác giả Trần Văn Quang. Ảnh: Hồng Vĩnh Bộ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước phát biểu tổng kết: “Trong quá trình xét tặng, Bộ VHTTDL với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng cấp Nhà nước đã nỗ lực cao nhất trong thực thi trách nhiệm của mình, luôn chủ động, minh bạch nhằm đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho các văn nghệ sĩ đã có nhiều cống hiến. Bộ có nhiều Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước xét tặng các Giải thưởng cho các tác giả là những trường hợp đặc biệt, có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng nhưng lại thiếu các giải thưởng hoặc chứng nhận giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp…theo quy định tại Nghị định 90. Bộ VHTTDL nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2017. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để các quy trình máy móc cản trở việc tôn vinh các tác giả có các tác phẩm về VHNT nổi tiếng và có những đóng góp to lớn cho dân tộc”.
Một số hình ảnh văn nghệ sỹ, gia đình tại lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT:
Vợ cố nhà văn Trần Hữu Mai nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh do Chủ tịch nước trao tặng. Ảnh: Hồng Vĩnh Niềm vui sau nhiều ngày chờ đợi và hoãn lịch trao giải thưởng. Ảnh: Hồng Vĩnh NSND Lê Văn Thi nhận Giải thưởng Nhà nước. Ảnh: Hồng Vĩnh
NSND Chu Thuý Quỳnh, 1 trong 18 tác giả nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Vĩnh