Tuy đã quyết theo nghề thêu, nhưng Trâm vẫn phải kiếm sống bằng việc khác?
Ba-bốn tháng tôi mới (thêu) xong một cái tranh thì không thể sống bằng nghề. Ngoài nuôi con, tôi là con một, cũng phải chuẩn bị kinh tế để hỗ trợ mẹ tôi. Tôi đang ở lứa tuổi phải lo cơm áo gạo tiền nhưng vẫn dành quỹ thời gian tập trung thêu.
Nghề phụ của tôi là thiết kế đồ họa. Tôi từng làm về thương hiệu cho một số hãng lớn, lương tháng 25 triệu đồng, nhưng quyết định theo nghề thêu tôi bỏ hết. May bố mẹ hiểu đam mê của tôi và ủng hộ. Xưởng thêu bây giờ đã có thể trụ vững. Từ năm nay trở đi, tôi được một chị giúp đỡ làm về chiến lược. Vì nghệ sĩ thì không giỏi tính toán tiền nong lắm. Một mình mà cứ nuôi xưởng mãi thì không lâu dài được.
Theo tìm hiểu của bạn, thêu Việt Nam có gì khác với thêu các nước?
Khác cái là nghề thêu Việt Nam chưa chết. Rất nhiều nước, thêu tay chẳng ai làm và không gọi là nghề nữa rồi, chỉ là sở thích, thú vui thôi.
Cái khác thứ hai là tôi thấy thêu Việt Nam khá đa dạng. Bên cạnh thêu cung đình, có Quất Động thêu tranh; Ninh Bình, Thái Bình và cả Hà Nội thêu “hàng trắng” (khăn trải bàn, ga gối…) học nghề của người Pháp, Ý để làm cho châu Âu; thêu của người H’Mông… Việc đa dạng sắc tộc dẫn đến nhiều truyền thống thêu khác nhau. Và nó đang sống, có các làng nghề.
Về ý niệm, rồng thêu của Trung Quốc rất dữ tợn, thể hiện quyền uy. Còn rồng Việt Nam có độ hiền hòa, gần gũi. Hoa lá cũng thế, không rợn lên, không cách điệu rực rỡ mà nhẹ nhàng. Phong cách tôi đang theo đuổi ngây thơ nhưng có cái duyên của dân gian. Nó lạc quan, thú vị, hợp tính cách của tôi.
Việc bạn chuyển vào Hội An sống có liên quan đến thêu?
“Dễ chán, không chịu vượt qua khó khăn là đặc trưng của thế hệ chúng tôi. Sướng quá, không chịu được khổ. Tôi vẫn nghĩ phải mài giũa, phải có thời gian lao động nghiêm túc mới gặt hái được thành quả. Còn khó khăn là đương nhiên. Từ bỏ thì không bao giờ. Không thêu thì tôi không biết làm gì”.
Nghệ sĩ Phạm Ngọc Trâm
Trong đấy nghề thêu truyền thống không phát triển. Có làng nghề nhưng không phải làng nghề cổ. Từ nhu cầu du lịch thì người ta làm thêm thôi. Cô làm chung với tôi hồi trẻ đi bán cá ở chợ. Tôi tuyển về, học cũng nhanh. Tôi chuyển về Hội An chủ yếu cho đầu óc thoải mái, để mình tĩnh tâm ngồi thêu, sáng tác. Vì cuộc sống ở Hà Nội có nhiều cái cuốn mình theo. Hội An giống như tổ kén để mình chui vào làm những gì mình muốn. Chính quyền Hội An còn có chính sách hỗ trợ nghệ sĩ trẻ hoặc những người muốn làm lưu trữ văn hóa. Tôi được thuê nhà giá rẻ, nếu muốn làm về đồ souvenir thì cũng rất có giá trị vì ở trong phố cổ. Nhưng hiện tôi chưa khai thác.
Học xong ĐH Mỹ thuật mà việc vẽ tranh vẫn không đủ hấp lực đối với bạn?
Tôi vẫn thèm vẽ tranh lắm. Nhưng cái gì cũng thích thì làm sao tập trung thêu được. Cũng có những buổi sáng chủ nhật, tôi “vứt” chồng con ngồi vẽ cái vườn của tôi. Xong tôi lại mong có thể biến bức đấy thành tranh thêu.
Bạn nghĩ sao khi mình gần như “độc quyền” trong lĩnh vực tranh thêu nghệ thuật?
Tôi nghĩ thời gian tới sẽ nhiều người làm. Những người làm thêu tay để kinh doanh và kinh doanh thành công thì rất nhiều. Nhưng mỗi người làm một kiểu khác nhau. Thời trang thì sản xuất hàng loạt. Còn tôi làm tranh chỉ có một, kể đúng câu chuyện, cảm xúc lúc đấy cũng có cái hay của nó.
Một ngày nào đó, bạn cũng phải có triển lãm chứ nhỉ?
Tôi đang cố gắng. Để chuẩn bị được tranh cho triển lãm, nghệ thuật của tôi phải đạt đến độ gì đấy. Mà giờ tôi vẫn chưa hài lòng với tranh của tôi. Một trong những ước mơ tương lai của tôi là được triển lãm tranh cùng các họa sĩ khác và thêu được nhìn nhận như một ngôn ngữ của hội họa.