Người kể chuyện Trường Sơn
Nhà văn Phạm Hoa sinh 1952 tại Thanh Hóa, vừa qua đời tại Hà Nội sau một thời gian chữa bệnh. Đại tá Phạm Hoa trọn đời theo binh nghiệp, từng giữ chức Cục phó Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt Nam) trước khi nghỉ chế độ. Ông còn là một nhà văn, một người kể chuyện về Trường Sơn với giọng điệu riêng. Theo nhận định của nhà văn Khuất Quang Thụy, truyện ngắn Phạm Hoa đặc sắc, có nét độc đáo, hài hòa giữa chất liệu đời sống và sự thăng hoa trong nghệ thuật với “ngôn ngữ uyển chuyển, sự khám phá chi tiết đời sống, chi tiết văn chương”.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh cùng nhà văn Phạm Hoa và một số cây viết từng sống chung tại trại viết quân đội để chuẩn bị cho Khóa 1 trường Viết văn Nguyễn Du. Phạm Hoa khi ấy xuất thân là lính lái xe Trường Sơn. “Anh ấy ít tiếp xúc với anh em văn nghệ, không có điều kiện tiếp cận văn học nhiều nhưng lại là người có năng khiếu. Truyện ngắn đầu tiên Phạm Hoa viết, tôi gần như người đọc “tươi” và đánh giá cao chất riêng của anh ấy”, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận xét.
Trước khi tiếp tục đeo đuổi nghiệp quân ngũ, Phạm Hoa từng nghiêm túc muốn theo nghề viết chuyên nghiệp. “Cuộc sống bình thường của Phạm Hoa thường úi xùi nhưng khi ngồi vào bàn viết lại có chất riêng. Truyện ngắn Phạm Hoa hớp hồn độc giả ở không khí tươi trẻ, hồn nhiên. Một giọng văn giản dị, trong sáng khác hẳn với nhiều cây viết quân đội khi ấy thường ồn ào, cao giọng khiến chúng tôi hay đùa là chính trị viên. Phạm Hoa ngoài đời có lối sống nghiêm trọng, thế mà khi cầm bút viết về người lính lại rất hồn nhiên, trong sáng”, Trung Trung Đỉnh nói. Dễ dàng kể tên những tác phẩm nổi bật của Phạm Hoa như Ngày không bình thường, Đùa của tạo hóa, Miền xa thẳm.
Trong ký ức của nhà văn Lạc rừng, khởi đầu của Phạm Hoa với văn đàn khá suôn sẻ, có năm ông in liền 5 truyện ngắn trên báo Văn nghệ khi đang học năm thứ hai trường viết văn Nguyễn Du. Năm 1982, ông được giải Nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội. “Khi ấy làm được như Phạm Hoa cũng hơi đặc biệt. Tác phẩm của Phạm Hoa được anh em bạn viết đánh giá cao. Những năm 1970, 1980 văn chương viết về lính vẫn nghiêm trọng, còn thiếu khôi hài. Phạm Hoa không khôi hài nhưng có được chất giọng đời sống, giản dị trong sáng. Tôi thích mấy truyện ngắn này đến mức tự đánh máy, đóng thành quyển và đưa cho nhà văn Nguyễn Thành Long xem. Cây viết truyện ngắn xuất sắc khi ấy đánh giá Phạm Hoa có tài, khuyên chúng tôi nên tạo điều kiện để anh ấy đọc nhiều hơn nữa”, Trung Trung Đỉnh kể.
Nhà văn Lê Minh Khuê biết Phạm Hoa từ khi cùng học lớp viết văn ở Quảng Bá. Bẵng đi nhiều năm cho tới sau này cùng tham gia Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Minh Khuê mới biết Phạm Hoa nhiều hơn. Nữ nhà văn đánh giá: “Phạm Hoa là người kể chuyện, ông ấy kể những câu chuyện về công việc của mình trong chiến tranh, về đồng đội ở trung đoàn vận tải Trường Sơn, về nữ thanh niên xung phong. Đây là mảng đề tài ít người viết. Phạm Hoa là người trong cuộc, đã kể được những câu chuyện đó khá tốt với giọng điệu chất phác, mang lại nhiều tư liệu tốt cho người đọc”.
Nhà văn Phạm Hoa sinh 1952 tại Thanh Hóa. Một số tác phẩm chính từng xuất bản: truyện ngắn Ngày không bình thường (1982), Tiếng chim (1985), Đừng quên mùa hoa săng lẻ (1986), Mỗi thời của họ (1993), Đùa của tạo hóa (1996); các tiểu thuyết Miền xa thẳm (2002), Nhốt con chim bắt cô (2018). Ông được giải Nhì cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội (1982), giải Ba truyện ngắn báo Văn nghệ 1991, tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003; được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.
Phạm Hoa chia sẻ suy nghĩ về nghề văn trên trang web cá nhân: “Viết văn là một cuộc đi tìm mình. Tôi tìm mãi, tìm mãi mà không rõ mình là ai! Để những cuốn sách viết ra không “vô vị”, mang đến cho người đọc thời nay một chút gì đó là những thách thức lớn nhất với tôi. Cứ ảo tưởng, cứ “điếc không sợ súng” như trước đây còn đỡ. Giờ đây cứ cầm bút là lại đắn đo…”.
Cần mẫn, trong sáng
Nhà văn Phạm Hoa có nhiều năm tham gia Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam. “Phạm Hoa có lẽ là người duy nhất đọc rất kỹ tác phẩm của bạn bè. Anh ấy là người viết lách cày sâu cuốc bẫm, cũng là người đọc cần mẫn tác phẩm của nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Chính vì thế Phạm Hoa thường có nhận xét xác đáng về sáng tác của họ. Anh ấy có công phát hiện nhiều tác phẩm tốt, là người đọc công tâm, trong sáng và giúp nhiều tác phẩm được lọt vào các giải thưởng một cách xác đáng”, Lê Minh Khuê nhận xét.
Đồng tình với điểu này, nhà văn Khuất Quang Thụy đánh giá Phạm Hoa là người viết trưởng thành trong quân đội và không chỉ chăm lo cho công việc sáng tác riêng. “Ông có công lao trong việc xây dựng lực lượng viết văn trẻ trong quân đội”, Khuất Quang Thụy nói. Phạm Hoa phụ trách mảng văn hóa văn nghệ trong quân đội trước khi lên chức Cục Phó Cục Tuyên huấn. Hình ảnh Trung Trung Đỉnh luôn nhớ về Phạm Hoa chính là người nói không với công nghệ, không mạng internet, không Facebook và “tới giờ này vẫn gù lưng viết bút, suốt ngày đọc hàng đống bản thảo các nhà văn bạn bè nhờ đọc”.
Sự chất phác, trong sáng của ông được nhiều người trong giới xác nhận. Từng ngồi ở hội động xét danh hiệu NSND, NSƯT nhiều kỳ, Phạm Hoa thẳng thắn phát biểu trên Tiền Phong hồi 2015 rằng “chưa từng nhận cốc nước của ai”. Đó là khi có dư luận về việc chạy chọt, vận động các thành viên hội đồng xét danh hiệu NSND, NSƯT.
Phạm Hoa ra đi ở tuổi 70 khi còn đau đáu với công việc ở Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Ông là người khởi xướng và phối hợp đồng đội ấp ủ dự án Công viên Đồi hoa trắng. Đó là một công viên, đền thờ xây dựng toàn với màu trắng, trồng toàn hoa trắng nằm ở Đường 20 Quyết thắng (Quảng Bình), nhằm tôn vinh hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn nằm xuống chỉ mới 18, đôi mươi. Dự án tri ân nhân văn ấy được ủng hộ và phê duyệt, thậm chí rục rịch khởi công nhiều năm nay nhưng tới nay vẫn chưa được thực hiện.