Phải xét gốc rễ chuyện mua bán bằng giả

Ðại học Ðông Ðô. Ảnh: internet
Ðại học Ðông Ðô. Ảnh: internet
TP - “Vì sao người ta lại chạy bằng giả, tìm danh hão? Căn nguyên của vấn đề xuất phát từ công tác tuyển dụng cán bộ của chúng ta”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm quanh vụ bằng giả ở Ðại học Ðông Ðô.

Từng lên tiếng về việc gian lận điểm thi trước đây, cá nhân ông nhìn nhận như thế nào về vụ gian lận bằng giả ở Đại học Đông Đô?

Qua theo dõi thông tin từ cơ quan điều tra, chúng ta đều biết vụ bằng giả ở Đại học Đông Đô rất nghiêm trọng, dính líu đến một số quan chức nhà nước. Đây là một hồi chuông cảnh báo trong việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ hiện nay.

Gian lận bằng giả ở Đại học Đông Đô đã được cơ quan điều tra chỉ rõ. Song điều đáng lo ngại khác, rất cần được tiếp tục làm rõ, xem có tình trạng gian lận tương tự  không. Bởi tôi được thông tin, một số trường đại học khác cũng xảy ra tương tự như Đại học Đông Đô. Nếu đúng như vậy thì phải xử lý thật nghiêm minh. Họ đã tiếp tay cho các quan chức để không phải học mà vẫn có bằng. Thậm chí, chương trình 10, nhưng họ chỉ học 1- 2 cho có, rồi vẫn có bằng.

Thậm chí, có quan chức trong ngành giáo dục còn cho biết, một số trường ở nước ngoài cũng tham gia đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ xa. Ở đây chủ yếu là phương thức ghi danh, rồi hàng kỳ chuyển tiền cho trường, làm một vài bài chiếu lệ, rồi vẫn được cấp chứng chỉ nọ, chứng chỉ kia. Sau vài ba năm, họ lại có bằng đại học, rồi bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là bằng thật nhưng kiến thức giả. Ngoài ra lại còn loại bằng giả, kiến thức giả. Nghĩa là họ không đi học nhưng vẫn có bằng giả do một nhóm người chuyên làm bằng giả và làm các loại giấy tờ giả thực hiện. Thực tế này có hay không, mức độ thế nào, rất cần được cơ quan chức năng làm rõ.

Phải xét gốc rễ chuyện mua bán bằng giả ảnh 1

Ông Lê Như Tiến.  Ảnh: IT

Câu hỏi đặt ra là vì sao người ta lại phải tìm cách chạy bằng, mua bằng giả?

Đúng là chúng ta cần phải xem xét đến gốc rễ của vấn đề. Vì sao người ta lại chạy bằng giả, tìm danh hão? Căn nguyên của vấn đề xuất phát từ công tác tuyển dụng cán bộ của chúng ta. Khi đã coi vấn đề bằng cấp là điều quan trọng, hay điều kiện cần thì cái gì họ cũng tìm cách “chạy” hết. Từ tuyển dụng đến đề bạt, bổ nhiệm, tất cả đều muốn có hồ sơ đẹp, còn khi lên chức vụ cao hơn, hồ sơ người đó thường phải rất đẹp. Đáng tiếc lâu nay, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm của chúng ta chưa thực sự coi trọng đến hiệu quả thực tế công việc và năng lực, phẩm chất của họ. Nhiều khi người đề bạt chỉ xét tuyển trên hồ sơ, thấy đẹp là bổ nhiệm liền. Vì lẽ đó nên mới “đẻ” ra những cơ sở cung cấp bằng giả như Đại học Đông Đô.

“Từ tuyển dụng đến đề bạt, bổ nhiệm, tất cả đều muốn có hồ sơ đẹp. Khi đã lên chức vụ cao hơn, hồ sơ phải rất đẹp. Lâu nay, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm của ta chưa thực sự coi trọng đến hiệu quả thực tế công việc. Nhiều khi người đề bạt chỉ xét trên hồ sơ, thấy đẹp là bổ nhiệm. Vụ cấp bằng giả ở Ðại học Ðông Ðô cũng xuất phát từ thực tế này”.   

Ông Lê Như Tiến

Vào nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, 13, khi nghiên cứu cùng các Đoàn đại biểu Quốc hội đến một số nước châu Âu, tôi thấy họ tuyển dụng, đề bạt dựa vào phỏng vấn trực tiếp. Họ đưa ra những tình huống cụ thể, xem anh xử lý tình huống đó như thế nào. Còn đề bạt thường dựa vào năng lực thực tế của ứng viên. Ông cấp trưởng đi công tác sẽ giao công việc cho từng ông phó đảm nhiệm. Sau khi về, thấy hiệu quả công việc của ai tốt hơn, ông ấy sẽ đề bạt chính người đó. Đó chính là việc đi tìm người tài trong thực tế, chứ không phải tìm người tài dựa trên đống hồ sơ coi trọng bằng cấp.

Công tác quản lý đối với hệ thống trường công lập, có uy tín lâu nay thường được thực hiện khá tốt. Ngược lại với hệ thống các trường dân lập, tư thục lại có phần lỏng lẻo, thiếu công cụ giám sát hiệu quả, thưa ông?

Chúng ta có hệ thống giáo dục công lập và ngoài công lập, bao gồm tư thục, dân lập, công tư... Với các trường công lập xưa nay đã có truyền thống và có hệ thống quản lý tương đối tốt. Tuy nhiên, các trường tư thục, ngoài công lập vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

Các trường này có hội đồng quản trị, tự chủ cả về tài chính, nhân sự và các nguồn lực khác. Với vai trò hội đồng quản trị, thông thường họ phải rất chặt chẽ trong việc quản lý chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra cho xã hội, đó là sản phẩm chất lượng cao. Nếu hội đồng quản trị trường nào làm chặt theo đúng tôn chỉ mục đích, đúng luật sẽ rất tốt. Còn những trường mà hội đồng quản trị khoán trắng cho hiệu trưởng, ban giám hiệu nhà trường thì sẽ có chuyện tự tung, tự tác cả về chất lượng đào tạo, nguồn lực tài chính cũng như việc cấp bằng.

Chúng ta phải có công cụ hữu hiệu để quản lý chặt chẽ cả hệ thống công lập và ngoài công lập.

Theo ông, Bộ GD&ĐT có vai trò, trách nhiệm ra sao về vấn đề này?

Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Đối với những trường không có uy tín, phải có những giải pháp mạnh, như đình chỉ hoạt động, ngừng cấp giấy phép đào tạo những mã ngành đó. Đồng thời cần đề ra những tiêu chuẩn cao cho những trường được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Bởi nếu không có thanh, kiểm tra, rõ ràng là buông lỏng quản lý. Như thế các trường sẽ tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm. Không phải chỉ Đại học Đông Đô, tôi được phản ánh cũng có những trường khác có hiện tượng tương tự.

Ngoài đối tượng bán bằng giả là cán bộ trường Đại học Đông Đô, cơ quan điều tra cũng chỉ rõ nhiều đối tượng mua bằng giả là quan chức nhà nước. Vậy theo ông, những người mua bằng này phải bị xử lý ra sao?

Với những đối tượng mua bằng giả ở Đại học Đông Đô, có thể công khai danh tính và đưa ra giải pháp xử lý ngay. Nếu rơi vào cơ quan nào thì cơ quan đó và cơ quan cấp trên xử lý. Mua bằng cấp là vi phạm pháp luật. Anh đã lừa dối Đảng, nhà nước, lừa dối cơ quan tổ chức cán bộ. Cái anh không có nhưng lại nói có. Anh có bằng nhưng lại không có kiến thức. Cái anh có là do gian lận, mua bán, là vi phạm pháp luật. Anh không xứng đáng là đảng viên, cán bộ.

Trong trường hợp này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ và xử lý nghiêm minh từng trường hợp vi phạm. Thậm chí có thể truy tố trách nhiệm hình sự cả người bán bằng và người mua bằng. Luật Giáo dục, Bộ luật Hình sự, hay Luật Cán bộ công chức đều có quy định. Ai giả dối, lừa đảo các tổ chức, các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cảm ơn ông.

Đại tướng Tô Lâm: Xử nghiêm cán bộ vi phạm

Trả lời chất vấn tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã nói về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả, với nhiều mức giá, diễn ra công khai trên hệ thống mạng internet.

Trong khi đấu tranh triệt phá nhiều tổ chức, băng nhóm, có những vụ công an thu 1.500 mẫu dấu, các công cụ máy móc phục vụ cho việc làm tài liệu giả, con dấu giả. Can phạm sẵn sàng nhận làm giả hầu hết các loại giấy tờ, chứng chỉ giả, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học y, dược để hành nghề, rồi các bằng tốt nghiệp để phục vụ đề bạt, tuyển dụng cán bộ. “Những người này thường chia làm hai nhóm. Một là làm giấy tờ giả để hoạt động lừa đảo. Hai là, để phục vụ cho tuyển dụng, đánh giá cán bộ… Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có nhiều người đã sử dụng những giấy tờ giả này”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Công an nói sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo các cơ quan chức năng và người dân về những phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Bộ Công an đề xuất các cơ quan rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý. Lâu nay, việc sử dụng giấy tờ giả hầu như nặng về xử lý hành chính. Theo Đại tướng Tô Lâm, đã đến lúc phải xử lý hình sự. “Với cán bộ, công chức cũng nặng nhiều về xử lý hành chính, nhưng đã làm đến giấy tờ giả cũng phải nghiên cứu, đề xuất có những biện pháp để xử lý về hình sự”, Bộ trưởng Tô Lâm nói. (Luân Dũng)

MỚI - NÓNG