Trường Ðại học Ðông Ðô cấp bằng giả: Có thể truy cứu hình sự người mua bằng

TP - Trước câu hỏi các học viên liên quan việc trường Ðại học Ðông Ðô cấp bằng giả có thể bị xử lý theo các quy định nào, luật sư Ðặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) nêu ý kiến việc này khá phức tạp và cần phân loại người học ra 3 nhóm.

Thứ nhất, những người không thi tuyển, không tham gia đào tạo vẫn có bằng, tức mua bằng và nhóm này có thể giả về nội dung hoặc giả về hình thức. Giả về hình thức là con dấu, chữ ký, phôi bằng đều giả và đương nhiên không có giá trị. Giả về nội dung là phôi bằng thật nhưng người học bỏ tiền ra mua mà có được, bằng này không ghi nhận trình độ của họ. Cán bộ công chức nếu dùng bằng giả sẽ bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; người biết bằng giả vẫn sử dụng vào mục đích trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Nhóm thứ 2 là 23 người học thật, thi thật và họ nhận bằng. Những người này là nạn nhân bởi trường Đông Đô công khai đào tạo nhiều năm, được Bộ GD&ĐT công bố, giao chỉ tiêu, cấp phôi bằng...

Nhóm thứ 3 là học thật, thi thật nhưng chưa được cấp bằng và theo kết luận điều tra, Đại học Đông Đô đã tuyển được hơn 3.000 người, thu lợi hơn 24 tỷ đồng. Đây là nhóm nạn nhân rất lớn, dựa vào thông tin tuyển sinh của nhà trường và giới thiệu của trung tâm liên kết để nộp hồ sơ, thi tuyển. Mỗi người đóng hơn 30 triệu đồng học phí, có người đã học đến 2 năm. Cơ quan điều tra (CQĐT) kiến nghị nhà trường phải trả tiền cho họ nhưng đến nay, chỉ 1 cơ sở liên kết trả hơn 400 triệu đồng cho một số học viên. Theo tôi, nhóm 3 này là nạn nhân rất đáng được quan tâm và cần làm rõ số tiền 24 tỷ đồng này đã đi đâu. Số tiền rất lớn, phải có trách nhiệm, kế hoạch trả lại học viên nếu không cần xem xét tội danh khác là lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trong 55 người CQĐT cho rằng nhận bằng và sử dụng để học lên cao hơn hoặc thi nâng ngạch cũng phải chia ra 2 nhóm. Cụ thể: “Thứ nhất là bỏ tiền ra mua nên kết quả đương nhiên bị hủy nhưng họ có bằng cấp, chứng chỉ khác tương đương vẫn có thể châm chước bởi đây chỉ là điều kiện. Trường hợp thứ hai là những người không đủ trình độ, chỉ dùng mỗi bằng giả để “tiến thân” và không thể bổ sung bằng khác tương đương, cơ quan chức năng cần hủy kết quả họ có được từ bằng giả”.

Cũng theo luật sư Cường những người đã qua đào tạo phải ghi nhận cho họ bởi họ có trình độ thật, học thật, thi thật và họ bị ảnh hưởng bởi nhà trường. Không thể đánh đồng, cùng một hành vi nhưng nhận thức của mỗi người khác nhau, cần xử lý khác nhau.

Đang phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý
Sáng 26/11, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Liên quan đến kết luận điều tra của cơ quan công an về vụ án cấp bằng giả của trường Đại học Đông Đô, đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản kết luận chính thức của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để làm rõ thông tin và bản chất của vụ việc. Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo sau đại học rà soát lại thông tin về đầu vào và đầu ra của các học viên sau đại học để có căn cứ xử lý.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xác minh thông tin và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền, những trường hợp đã sử dụng bằng giả của trường Đại học Đông Đô; đồng thời cũng sẽ xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân liên quan nếu có vi phạm. NGHIÊM HUÊ

MỚI - NÓNG