Mặc trang phục ngoại lai tại di tích lịch sử:

Phai nhạt bản sắc, quản lý văn hóa lỏng lẻo

TP - Nhiều người trẻ mặc trang phục không phù hợp tại các di tích, điểm đến văn hóa, lịch sử không phải câu chuyện mới, nhưng tái diễn ở nhiều điểm đến khác nhau. Nhà quản lý văn hóa quan tâm chưa đúng mức về tình trạng người dân mặc trang phục ngoại lai là một trong những nguyên nhân khiến thực trạng này vẫn nhức nhối.

Thiếu tôn trọng bản sắc dân tộc

Mới đây, trên mạng xã hội TikTok lan truyền những hình ảnh quảng bá cửa hàng cho thuê trang phục tại Huế khiến những người nghiên cứu văn hóa xôn xao. Theo đó, người mẫu mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản và tạo dáng “lạ” cho loạt ảnh quảng cáo được chụp tại kinh thành Huế. Những bức ảnh nhanh chóng nhận về những ý kiến trái chiều. Phần lớn công chúng cho rằng, trang phục không phù hợp với địa điểm chụp ảnh.

“Người Việt mặc trang phục của mình ở nước ngoài với mục đích quảng bá văn hóa Việt. Người Việt mặc trang phục quốc tế tại di tích lịch sử Việt Nam là bất hợp lý”. “Không nên chụp ảnh với trang phục quốc tế ở địa điểm lịch sử Việt Nam. Việc này không cần ghi thành quy định mà nằm ở ý thức và lòng tự tôn dân tộc”. Đó là một trong số những bình luận của người dùng mạng xã hội.

Những hình ảnh gây tranh cãi ở Huế gợi nhớ đến trào lưu chụp ảnh của giới trẻ trong trang phục Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng… tại các điểm du lịch miền núi phía Bắc đầu năm 2023. Trước đó, trào lưu này cũng nhận về không ít chỉ trích vì sự đua đòi, thiếu tôn trọng bản sắc văn hóa Việt. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, việc giới trẻ mặc trang phục truyền thống quốc tế tại cố đô Huế hoặc các di tích là không phù hợp.

Phai nhạt bản sắc, quản lý văn hóa lỏng lẻo ảnh 1

Hình ảnh quảng bá trang phục truyền thống Nhật Bản tại cố đô Huế gây tranh cãi

Phai nhạt bản sắc, quản lý văn hóa lỏng lẻo ảnh 2

Việt Nam sở hữu hệ thống trang phục truyền thống đa sắc màu

Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

“Đây là biểu hiện của việc thiếu tôn trọng văn hóa dân tộc. Mặc trang phục truyền thống của quốc gia khác tại di tích lịch sử của nước ta sẽ gây cảm giác thiếu tôn trọng đối với nền văn hóa và lịch sử của dân tộc. Điều này có thể gây ra sự hiểu nhầm cho du khách và người xem”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu. Kinh thành Huế và các di tích lịch sử thường gắn liền với những lễ nghi và phong tục Việt Nam. Vì vậy, sự hiện diện của trang phục nước ngoài tạo nên sự thiếu hài hòa, gây xung đột văn hóa.

Trước đó, khi phát hiện việc mặc trang phục ngoại lai ở khu vực sông Nho Quế, Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang chỉ đạo chính quyền địa phương tuyên truyền các hộ kinh doanh không cho thuê trang phục cổ trang, trang phục nước ngoài, thay vào đó tập trung giới thiệu trang phục các dân tộc của tỉnh Hà Giang. Lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, hộ kinh doanh cho thuê trang phục cách tân vẫn phải bảo đảm phù hợp. Các hộ kinh doanh ở các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang đã hưởng ứng, cam kết ngừng cho thuê trang phục nước ngoài.

Bên cạnh bình luận chê trách trang phục thiếu tinh tế, không phù hợp, công chúng cũng cho rằng, cách tạo dáng người mẫu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Trước đó, trào lưu “sống ảo” bất chấp nguy hiểm đã được nhiều người lên tiếng cảnh báo. GS.TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, các bạn trẻ chỉ hướng tới mục đích cá nhân, đề cao hình ảnh bản thân khi chụp ảnh, không quan tâm đến quảng bá văn hóa, cảnh quan, di tích dân tộc. Việc này cũng thể hiện sự lệch lạc, lối sống ảo mà quên đi những nguyên tắc ứng xử ở những không gian công cộng.

Video của cửa hàng cho thuê trang phục nhận về nhiều ý kiến phản đối, thậm chí là chỉ trích gay gắt của cộng đồng mạng, nhưng chủ cửa hàng khẳng định, việc chụp ảnh và quảng bá của họ không sai. Video quảng bá thậm chí trở thành sản phẩm hút nhiều lượt xem và lượt tương tác nhất, được đánh dấu nổi bật trên tài khoản TikTok của cửa hàng.

Quản lý văn hóa lỏng lẻo

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trào lưu và ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Giới trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu thời trang và văn hóa từ nước ngoài, xu hướng nổi lên trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội TikTok, Facebook. Với họ, việc mặc trang phục quốc tế là một phong cách và mong muốn thử nghiệm.

“Giới trẻ chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và tôn trọng bản sắc văn hóa dân tộc tại các di tích lịch sử. Họ không nhận ra rằng, việc mặc trang phục nước ngoài ở những nơi này là không phù hợp”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định. Bên cạnh đó phải kể đến sự thiếu hụt những quy định rõ ràng tại các di tích, điểm đến văn hóa, lịch sử. Các nhà quản lý văn hóa, di tích còn chưa quan tâm đúng mức đến những quy định về trang phục tại di tích, điểm đến văn hóa, lịch sử.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nêu: “Ban quản lý di tích cần có sự nghiên cứu và có ý kiến kịp thời với cấp quản lý cao hơn. Cơ quan quản lý nhà nước ở Huế chưa thể hiện được chức năng quản lý của mình một cách chính xác, thuyết phục”.

Trang phục phản cảm, hở hang được chấn chỉnh khá kịp thời, nhưng nhiều nơi chưa quan tâm đến trang phục ngoại lai tại di tích lịch sử, văn hóa, điểm đến du lịch nổi tiếng. Chuyên gia văn hóa đề xuất, các nhà quản lý cần nghiên cứu, có giải pháp kịp thời như ban hành quy định mới, bao gồm yêu cầu về trang phục tại di tích, điểm đến văn hóa, lịch sử.

Để câu chuyện này không lặp lại, chuyên gia nhấn mạnh vai trò truyền thông, giáo dục về văn hóa truyền thống cho giới trẻ. “Chúng ta cần tuyên truyền quảng bá mạnh mẽ hơn về trang phục truyền thống của Việt Nam. Chúng ta sở hữu nhiều trang phục đẹp độc đáo như áo dài, trang phục quan họ Bắc Ninh, trang phục của đồng bào dân tộc... Đây đều là những trang phục đặc trưng của Việt Nam cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để phát huy chúng trong đời sống”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu.

Một số chuyên gia văn hóa cho rằng, sự thay đổi chỉ có được khi đẩy mạnh giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ để từ suy nghĩ, hành động luôn gắn với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, từ đó khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc Việt.