Phá rừng nuôi tôm ven biển TT-Huế: Triệt hạ thần tốc, khắc phục 'rùa bò'

Vùng rừng bị phá làm hồ tôm “lậu” tại Vinh Mỹ trở thành “hoang mạc” mênh mông.
Vùng rừng bị phá làm hồ tôm “lậu” tại Vinh Mỹ trở thành “hoang mạc” mênh mông.
TP - Chỉ trong thời gian ngắn, những cánh rừng rộng lớn ven biển xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị triệt hạ, “hô biến” thành hồ tôm trái phép. Sai phạm được làm rõ, tuy nhiên, vụ việc hiện có dấu hiệu “chìm xuồng” khiến dân bức xúc. Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo phải xử lý dứt điểm.

Cụ ông 86 tuổi “đòi rừng” cho làng

Thời gian gần đây, xã Vinh Mỹ trở thành điểm nóng lấn chiếm, tàn phá rừng trồng ven biển để nuôi tôm trái phép trên diện rộng. Gắn bó gần hết đời người với những cánh rừng “hộ mệnh” ven biển, nay rừng mất, cụ Lương Quang Thạnh (86 tuổi, ngụ thôn 1, xã Vinh Mỹ) không khỏi xót xa, bức xúc nên công khai đứng đơn phản đối việc triệt hạ đất rừng thành hồ nuôi tôm trái phép. Cụ Thạnh nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng đòi lại rừng cho làng. Đây cũng là ý nguyện chính đáng của dân Vinh Mỹ.

Đến nay, sai phạm về phá rừng, lấn chiếm đất để nuôi tôm trái phép tại Vinh Mỹ đã được làm rõ. Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả, trồng trả lại rừng cho dân chậm thực hiện, thậm chí có dấu hiệu “chìm xuồng”. Đơn thư kiến nghị của dân vì thế lại tiếp tục được gửi đi. Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, UBND huyện Phú Lộc gấp rút kiểm tra, xử lý dứt điểm các hành vi phá rừng, gây ô nhiễm môi trường trên vùng cát ven biển Vinh Mỹ.

Tìm hiểu của PV, xã Vinh Mỹ từng được UBND tỉnh TT-Huế cho phép chuyển đổi 19,5 ha đất, rừng ven biển sang nuôi tôm. Do quản lý lỏng lẻo, tắc trách, chính quyền xã để xảy ra tình trạng ồ ạt triệt hạ rừng trồng, lập nên những khu nuôi tôm “ăn theo” trái phép. Cụ Lương Quang Thạnh bức xúc: “Có đến 26 hộ dân vào vùng cát ven biển Vinh Mỹ chặt phá, san ủi rừng trồng để làm các hồ tôm. Vậy mà ông Chủ tịch UBND xã Tô Thanh Liêm lại trả lời qua quýt là do dân lén phá rừng ban đêm, chính quyền không hay biết. Cả chục héc ta rừng bị phá chứ có phải vài ba cây đâu”.

Còn theo ông Đặng Phết (ngụ thôn 1, Vinh Mỹ), tỉnh chỉ cho phép nuôi 19,5ha tôm chân trắng, nhưng diện tích thực của các ao hồ tại Vinh Mỹ hiện “phình” lên hơn 40ha. Hồ tôm “lậu” còn lấn sát mồ mả của dân, tiến ra gần mép biển. Rừng mất, chỗ neo thuyền trú tránh bão gió vùng bãi ngang Vinh Mỹ cũng không còn. Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ thôn 1, Vinh Mỹ) kể: “Bụi cát giờ tràn vô nhà suốt ngày đêm. Khi họp dân, ông Chủ tịch xã khẳng định, hồ tôm phải cách xa mồ mả dân chí ít là 50 m. Nhưng thực tế thì sao? Có những khu nuôi gần mồ mả chỉ trên dưới chục mét”. Cụ Lương Quang Thạnh nói thêm: “Tui đau ốm luôn, mới rồi bị tai biến một trận, nay gần đất xa trời rồi, mong mấy anh nhắn giúp với Chủ tịch tỉnh sớm chỉ đạo trồng lại rừng trả cho dân. Dân đây khổ vì phá rừng, vì nuôi tôm lắm rồi. Rừng mất thì xóm làng cũng chẳng yên”.

“Câu giờ” đến khi nào?

Sau khi xảy ra phá rừng nuôi tôm, UBND huyện Phú Lộc từng chỉ đạo lãnh đạo xã Vinh Mỹ kiểm điểm trách nhiệm. Tuy nhiên, chưa có vị cán bộ chủ chốt nào của xã này bị kỷ luật nghiêm. Việc trồng rừng khắc phục cũng chậm được thực hiện. Ghi nhận của PV, thời điểm hiện nay, vùng rừng bị phá làm hồ tôm tại Vinh Mỹ vẫn là một hoang mạc mênh mông.

Người dân còn phản ánh, cả vùng hồ tôm bỏ hoang hình thành trái phép trên những cánh rừng tươi tốt ven biển Vinh Mỹ giờ trở thành “đất chết”. “Tại các khu hồ sâu bỏ hoang, người ta từng mang cây ra trồng đối phó cho có. Nay, cây giống bị chết gần như hoàn toàn. Đất đai đã bị đào phá trước đây cần phải được san ủi, hoàn thổ trở lại, sau đó mới trồng cây được. Chứ khắc phục qua loa như thế này, cây trồng “lấy lệ” xuống hồ sâu rồi lại chết, chỉ tổ mất công mà thôi”, một người dân đề nghị.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phan Như Ý, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, cho biết, việc trồng trả lại rừng triển khai trước Tết Nguyên đán 2017, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phần lớn cây trồng đã bị chết. Trước thắc mắc về đất rừng ven biển bị đào làm hồ tôm nhưng không được san ủi hoàn thổ theo nguyên trạng, khiến cây lâm nghiệp trồng “trả” qua loa xuống các hố sâu bị chết gần như toàn bộ, ông Ý nói: “Việc san ủi, hoàn thổ có thực hiện hay không phải xin ý kiến lãnh đạo huyện?”.

MỚI - NÓNG
Úc vận chuyển lô hàng cứu trợ khẩn cấp đầu tiên đến Hà Nội ngày 11/9. (Ảnh: ĐSQ Úc)
Mỹ, Úc hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam ứng phó sau bão số 3
TPO - Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão số 3 gây ra. Chính phủ Úc hôm nay công bố sẽ cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu trị giá 3 triệu AUD.