Vô tư hít thuốc độc
Sáng 28/3, trong căn phòng hóa trị rộng chừng 25m2 của Khoa nội IV, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, khoảng 30 bệnh nhân tay cầm bọc thuốc ngồi chờ nhân viên pha chế và vô thuốc. Phía ngoài phòng cũng có hàng chục bệnh nhân khác đang đứng chờ đến lượt được gọi vào. Không gian chật hẹp, mùi hóa chất bốc lên nồng nặc khiến không khí trong phòng hóa trị càng thêm nặng nề. Trong phòng hóa trị, ngoài nhân viên y tế có đeo khẩu trang, thì hầu hết người bệnh đều “vô tư”… hít thở hoặc lấy tay che mũi.
Tại phòng hóa trị thuộc Trung tâm Ung bướu BV Nhân dân 115, chỉ có ba nhân viên y tế thực hiện việc chế thuốc, truyền dịch có đeo găng tay, khẩu trang, mặc áo choàng… Gần 20 người bệnh và người nhàbệnh nhân đều không đeo khẩu trang. Nhiều người nhăn nhó vì không chịu được mùi thuốc nồng nặc. Do không kịp thực hiện quy trình pha chế thuốc nên nhân viên y tế ở đây còn… nhờ người nhà bệnh nhân làm giúp.
Sau khi “phụ” nhân viên pha chế thuốc cho người nhà xong anh Nguyễn Thanh Hùng (người nhà bệnh nhân N.V.T.) chia sẻ: “Họ nhờ thì mình làm nhưng cũng ớn. Bởi mấy thứ trị ung thư này độc lắm. Mỗi lần tui đưa anh tui đi vô thuốc xong là tui về ăn không nổi, ngủ không được…”.
Thiếu trung tâm pha chế thuốc
Trao đổi với chúng tôi, một số nhân viên pha chế thuốc ở các BV trên cho biết, có đeo găng tay, khẩu trang nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào nguy hại của thuốc. “Nhiều bữa hết ca về nhà, có cảm giác mệt mỏi, nhưng rồi ngày hôm sau vẫn phải tiếp tục công việc. Chỉ mong sớm có một trung tâm pha chế thuốc để chúng tôi bớt sợ bị tác động xấu bởi pha chế thuốc” - một nhân viên pha chế thuốc nói. Theo nhiều nhân viên, việc nhờ người nhà bệnh nhân giúp pha chế thuốc là việc chẳng đặng đừng, bởi họ không đủ thời gian để thực hiện, tuy nhiên các thao tác vụng về của người nhà bệnh nhân có thể dẫn tới việc làm lây nhiễm chéo hóa chất; thuốc gây hại tới người không mắc bệnh.
Bác sĩ Trần Nguyên Hà, Trưởng khoa Nội IV, BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, mỗi ngày bình quân khoa vào thuốc cho 90 bệnh nhân, trong khi đó, công việc pha chế chỉ có ba nhân viên đảm nhiệm. “Với môi trường độc hại như vậy, chúng tôi hết sức lo lắng. Mong sao sớm có trung tâm pha chế thuốc tập trung để giảm bớt nguy cơ cho nhân viên BV cũng như giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu việc lãng phí thuốc, chi phí điều trị.”- bác sĩ Hà nói.
Trao đổi với chúng tôi về nguy cơ nhiễm bệnh bởi hóa chất, PGS-TS Trương Văn Tuấn, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, gần 100 loại thuốc trị ung thư đã được nhiều tổ chức, chuyên gia đầu ngành trên thế giới cảnh báo là có nhiều hoạt chất, hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiếp xúc. Các hoạt chất trong thuốc trị ung thư có khả năng gây đột biến gen, gây độc, ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất, sinh sản hoặc tổn thương các cơ quan… Do đó, việc quản lý, xử lý, pha chế thuốc ung thư phải theo quy trình nghiêm ngặt chứ không thể tùy tiện.
Trả lời câu hỏi vì sao BV không tiến hành xây dựng trung tâm pha chế thuốc ung thư để đảm bảo điều kiện hành nghề cho nhân viên y tế cũng như sức khỏe cho người bệnh, Ban Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, do BV đang quá tải, không đủ diện tích để khám chữa cho bệnh nhân nên chỉ mới triển khai xây dựng trung tâm pha chế tập trung cho cơ sở ở BV Q.9.
Vẫn có bệnh viện thực hiện được
Thuốc điều trị ung thư là những loại thuốc có giá cao. Thông thường, nhiều loại thuốc trị ung thư, liều dùng được căn cứ trên chỉ số cân nặng, diện tích da của bệnh nhân. Quy trình pha chế thủ công như hiện nay gây lãng phí thuốc, làm tăng gánh nặng cho bệnh nhân ung thư. Theo thống kê sơ bộ tại BV Ung Bướu TP.HCM, mỗi ngày có khoảng 180 lượt bệnh nhân vào hóa chất. Trong đó, số trường hợp bệnh nhân sử dụng không hết thuốc chiếm 30%.
Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuẩn hóa quy trình pha chế thuốc ung thư, dược sĩ Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược BV Chợ Rẫy chia sẻ, BV đã xây dựng được trung tâm pha chế thuốc đạt chuẩn quốc tế, với nhiều trang thiết bị hiện đại giúp việc luân chuyển khí một chiều, đảm bảo vô trùng, vô khuẩn nhằm tránh cho quá trình nhiễm bẩn trong khi pha chế thuốc, góp phần đảm bảo sự an toàn cho thuốc khi đưa vào sử dụng, tránh độc hại cho nhân viên pha chế, người bệnh. Đặc biệt, giảm lãng phí thuốc dư, giảm chi phí xử lý và bảo vệ môi trường. Trung tâm pha chế thuốc tập trung là nơi điều phối sử dụng thuốc, san sẻ giữa bệnh nhân này với bệnh nhân khác (trong trường hợp số lượng thuốc lớn, một bệnh nhân sử dụng không hết), nhờ đó sẽ góp phần giảm chi phí điều trị cho người bệnh từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng/một bệnh nhân/đợt vào thuốc.
Chẳng hạn như Irocam i-100mg (chống ung thư và tác động vào hệ miễn dịch) bệnh nhân được chỉ định dùng 165ml, trong khi liều cung cấp là 170ml. Pha riêng lẻ thì sẽ bỏ 5ml. Chi phí trước đây là hơn 38 triệu đồng/bệnh nhân/lần hóa trị. Khi pha chế tập trung, chi phí thuốc chỉ còn gần 37 triệu đồng/bệnh nhân/lần. Theo nhiều bác sĩ, nếu có trung tâm pha chế, thì liều lượng pha chế thuốc sẽ chính xác hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị.
Với kinh phí xây dựng, dưới hai tỷ đồng, mỗi trung tâm pha chế (chưa tính chi phí vận hành), có lẽ không quá khó để các BV thực hiện!