PGS.TS Phạm Tất Thắng lên tiếng về đề xuất chia nhỏ kỳ nghỉ hè của Chủ tịch Chung

PGS.TS Phạm Tất Thắng lên tiếng về đề xuất chia nhỏ kỳ nghỉ hè của Chủ tịch Chung
TPO - Không thể thấy các nước làm được là áp dụng luôn vào Việt Nam. Phải có nghiên cứu, đánh giá và thí điểm nếu cần. Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Quốc hội trước đề xuất chia nhỏ các kỳ nghỉ cho học sinh Việt Nam. 

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 2, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Sở GD&ĐT nghiên cứu xây dựng đề án để thời gian tới có ý kiến đề xuất Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ tính toán lại lịch năm học.

Theo ông Chung, nhiều nước trên thế giới đã sắp xếp năm học với 4 kỳ. Họ đã nghiên cứu kỹ, chúng ta cũng nên xem xét để có điều tiết lại việc này không? Nếu có thể, chúng ta cho nghỉ hè từ 35 ngày, nghỉ Tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ còn lại mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Cuối cùng, học sinh vẫn được nghỉ 3 tháng.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS. Phạm Tất Thắng Phó chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ Quốc hội cho rằng, từ trước đến nay, giáo dục Việt Nam vẫn thực hiện hai học kỳ/năm với một kỳ nghỉ hè; khác với các nước xứ lạnh có nhiều kỳ nghỉ.

Chính vì vậy, ông cho rằng việc cho học sinh nghỉ như thế nào phải dựa trên các yếu tố: Thứ nhất là điều kiện tự nhiên.

Học sinh Việt Nam nghỉ học vào mùa hè. Đây là mùa được coi là khắc nghiệp nhất đối với khu vực phía Bắc và miền Trung; không chỉ nắng nóng mà còn là mùa mưa bão, lũ lụt. 

Yếu tố thứ hai là truyền thống, thói quen. Thứ ba là điều kiện thực hiện và ưu nhược điểm của mỗi phương thức.

Vì vậy, PGS. TS. Phạm Tất Thắng khẳng định,  muốn điều chỉnh, phải nghiên cứu cả 3 yếu tố này. Phải xác định xem thay đổi như thế có tốt hơn không. Hiện nay khung thời gian năm học được coi là phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta.

Giờ muốn thay đổi, phải nghiên cứu xem có thuận tiện hơn, phù hợp hơn cho học sinh so với phương án hiện tại hay không.

Do đó phải có nghiên cứu đánh giá ưu, nhược điểm của mỗi phương thức; xem thay đổi có cần thiết, có phù hợp không và cũng làm thí điểm. 

*Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý... xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.

MỚI - NÓNG