“Sống trên đá, chết vùi trong đá”
Con đường Hạnh Phúc dài gần 200km, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với gần 3 triệu lượt ngày công lao động. Riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng dài 21km được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Nhiều năm trước, Hà Giang là địa danh khá xa lạ trên bản đồ du lịch. Ít ai nghĩ lên vùng cao du lịch, nhất là vùng núi hiểm trở, nghèo nàn, lạc hậu cơ sở vật chất vô cùng khó khăn. Những năm trở lại đây, Hà Giang đang dần trở thành điểm đến thu hút khách du lịch bởi sự hoang sơ, phong cảnh núi non hùng vĩ, nét văn hóa độc đáo của người dân bản địa.
Một địa danh nổi tiếng mà mỗi du khách khi đến Hà Giang muốn đặt chân đến là “Con đường Hạnh Phúc” nối liền TP Hà Giang lên với Đồng Văn và Mèo Vạc. Du khách được trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc, những khúc cua tay áo, hun hút, núi non hùng vĩ cùng những con người thân thiện, mộc mạc chất phác của vùng cao.
Lên đến đỉnh đèo Mã Pì Lèng cũng chính là lúc người ta cảm giác nhỏ bé trước mẹ thiên nhiên. Ở độ cao 1.200 mét, xung quanh núi đá, con đường nhỏ bám lỳ lưng núi, một bên là hẻm vực Tu Sản chạy thẳng xuống dòng Nho Quế như sợi chỉ xanh.
Theo người dân bản địa, Mã Pì Lèng có nghĩa là dốc dựng đứng như sống mũi con ngựa. Trong truyền thuyết của người Mèo (Mông), khi trời đất còn hỗn mang, họ đã sinh sống, dựng nhà trên các mỏm đá ở vùng đất này. Khi đấy núi đá còn bằng phẳng, đường đi lối lại còn dễ dàng. Có một bộ tộc từ phương Bắc thường đưa quân sang cướp bóc, hãm hiếp dân lành, thủ lĩnh của người Mèo đã nhiều lần chống chọi nhưng không thể đánh lui quân địch. Trong một lần thua trận và nhìn cảnh nhân dân bị hà hiếp, thủ lĩnh đã rút kiếm tự sát vì bất lực.
Trước khi tự sát, vị thủ lĩnh quỳ xin thần linh, trời đất chia cắt ranh giới, giúp người Mèo có thể sống bình yên. Cảm thấu lòng thương, chỉ trong 1 đêm cả vùng đất bỗng nhiên nhô cao lên bởi những mũi đá tai mèo, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Cũng từ đó, người Mèo tập sống với địa hình hiểm trở, họ đi thoăn thắt trên những mũi đá tai mèo, băng núi vượt rừng như đi trên đường bằng. Bộ tộc phương Bắc cũng không thể đến để cướp bóc, hà hiếp. Cũng từ đó, người Mèo chỉ sống trên đá và họ nguyện chết được nằm trong đá.
Phá nát danh thắng
Trong lịch sử làm đường của Việt Nam, có lẽ đường Hạnh Phúc là con đường thi công hoàn toàn bằng sức người gian khổ nhất; vượt qua cao nguyên cao nhất; chiếm số ngày công lao động nhiều nhất; thời gian lâu nhất; và cũng bi tráng nhất (khi con đường hoàn thành, phải có một nghĩa trang riêng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống). Mã Pì Lèng trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, là tượng đài của thanh niên và là di sản trong lòng người dân bản địa.
Thế nhưng, chỉ trong vài tháng, một công trình đồ sộ bằng bê tông cốt thép đã chễm chệ án ngữ lên "tượng đài" này. Với mục đích kinh doanh, bà Vũ Thị Ánh đã xây dựng công trình xâm hại vào di sản Mã Pì Lèng. Công trình tổ hợp nhà hàng, khách sạn, điểm dừng chân Panorama đến nay vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, chưa có giấy phép xây dựng cũng như giấy phép kinh doanh.
“Chúng tôi đang cho rà soát lại giấy tờ để hoàn tất hồ sơ cho công trình này. Vì không phòng ban nào của huyện báo cáo về việc này nên chúng tôi cũng không nắm rõ. Đối với những sai phạm này chúng tôi sẽ khắc phục” - ông Ma Văn Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.
“Doanh nghiệp không thể tự ý xây dựng 1 công trình hoành tránh như thế ngay trên đỉnh đèo mà không được sự đồng ý từ phía chính quyền. Nếu cho rằng huyện không biết là có lỗi với người dân. Ranh giới anh quản lý trong khi họ xây cả năm trời không biết thì chức năng, năng lực quản lý của cán bộ ở đâu?” - anh C. V. T chủ một đơn vị du lịch tại TP Hà Giang chia sẻ.
Người dân cho rằng công trình này chẳng mang lại lợi lộc gì cho họ. Nhiều khi họ còn cảm thấy bị ảnh hưởng mỗi khi đi qua đoạn đường này: “Mỗi ngày tôi phải đi qua đoạn đèo này ít nhất 2 lượt, lắm hôm xe của khách đỗ tràn ra đường, chiếm hết lối đi. Vì nằm ngay góc cua lại khuất tầm nhìn nên rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông” - anh G. M. P một người dân sống tại thị trấn Đồng Văn nói.
“Khách lên Hà Giang là chủ yếu để ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên, khám phá văn hóa của người vùng cao. Ngay tại nơi đẹp nhất, hoang sơ nhất, hùng vĩ như đèo Mã Pì Lèng lại đổ 1 khối bê tông lên đó chính là đang phá du lịch chứ không phải phát triển du lịch như họ nói”, ông Đ. C. H người có nhiều năm làm du lịch ở Hà Giang nói.
Ông Hoàng A Chinh, Giám đốc sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, cho biết: “Chúng tôi chưa hề nhận được báo cáo hay hồ sơ nào liên quan đến công trình này. Thường thì những công trình cấp 4 đều do phía chính quyền huyện quyết định. Nhưng phải suy xét thêm là công trình có xây vào ranh giới của di sản hay không và theo như tôi được biết thì họ xây nhưng không hề xin phép ai cả”.