Thêm một mùa Oscar “trắng toát”
Chuyện vắng bóng những đề cử của các diễn viên da màu đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong mùa Oscar lần thứ 87. Trong số 20 đề cử của các giải diễn xuất trong Oscar năm nay không hề có sự góp mặt của các diễn viên da màu, châu Á hay Mỹ Latinh.
Bởi vậy nên ngay từ lúc mở màn đêm trao giải, nam diễn viên Neil Patrick Harris đã thốt lên một câu đùa rằng: “Đêm nay, chúng ta sẽ cùng vinh danh những gì tốt nhất (best) và trắng nhất (whitest), xin lỗi, tỏa sáng nhất (brightest) của Hollywood.”
Trong danh sách đề cử cho giải Nam/Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất không hề có bóng dáng của người da màu.
Câu đùa này làm cho nhiều khán giả bật cười và cũng có không ít người mang nó ra mổ xẻ. Có người cho rằng, đó là lời nói nửa đùa nửa thật nhằm châm biếm thiếu sót của Ban tổ chức giải Oscar khi không chú ý đến vấn đề da dạng sắc tộc trong các hạng mục giải thưởng của mình.
Nhưng cũng có ý kiến coi đây là lời chế giễu hướng tới những người đã quan trọng hóa một cách không cần thiết vấn đề phân biệt màu da trong danh sách đề cử Oscar năm 87.
Trước đó, trào lưu tẩy chay Oscar theo hastag #OscarsSoWhite trên mạng xã hội Twitter cũng đã dấy lên mạnh mẽ. Theo thống kê của trang Topsy, hastag này được sử dụng đến 140.000 lần kể từ khi danh sách đề cử giải Oscar được công bố.
Đây là lần thứ 3 kể từ năm 1995 đến nay, 20 đề cử diễn xuất của giải Oscar chỉ dành cho các nam và nữ diễn viên da trắng. Hai lần trước đó rơi vào các năm 1998 và 2011.
Sau thất bại tại giải Quả cầu vàng, bộ phim “Selma” kể về người anh hùng da màu Martin Luther King, Jr. vẫn tiếp tục “im hơi lặng tiếng” tại Oscar khi để tuột mất giải dành cho Phim hay nhất.
Thậm chí, diễn viên da màu David Oyelowo – người thủ vai Martin Luther King còn không được đề cử giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Đây là điều mà không ít người đều cảm thấy nuối tiếc thay cho anh, bởi bộ phim “Selma” nói chung và diễn xuất của Oyelowo nói riêng đã nhận được không ít lời khen của giới phê bình từ trước đó.
Việc David Oyelowo (ở giữa) không được đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc nhất đã khiến không ít người cảm thấy nuối tiếc.
Trong lễ trao giải Oscar, “chủ xị” Neil Patrick Harris đã tiến đến phỏng vấn David Oyelowo và mời anh đứng dậy. Khán phòng rộn vang tiếng vỗ tay, Harris quay về phía khán giả và buông một câu đùa về việc Oyelowo không hề nhận được đề cử giải diễn xuất. Câu đùa này có lẽ sẽ khiến Oyelowo cười ra nước mắt mỗi khi nghĩ lại: “Giờ thì mọi người mới thích anh ta!”Đoạn diễn viên Neil Patrick Harris phỏng vấn David Oyelowo.
Viện Hàn lâm tìm cách xoa dịu
Trước những phản đối mạnh mẽ của công chúng yêu điện ảnh, đặc biệt là những người da màu, Ban tổ chức giải Oscar – Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã phải tìm mọi cách để làm dịu tình hình.
Đối lập sự mất cân bằng sắc tộc trong danh sách đề cử, trên sân khấu của Oscar năm nay, có tới 15 trong tổng số 44 nghệ sĩ xướng giải thưởng (presenter) không phải người da trắng. Đây có thể được coi là động thái có chủ đích của ban tổ chức.
Vào năm 2012, chỉ có duy nhất 1 nghệ sĩ da màu được chọn làm vai trò xướng tên giải thưởng. Đến năm 2013, con số ấy tăng lên 8 người, và 12 người vào năm 2014.
Những nghệ sĩ da màu nổi tiếng giữ vai trò xướng giải thưởng trong lễ trao giải Oscar 87, trong đó có Eddie Murphy, Dwayne Johnson, Jennifer Lopez, Kerry Washington, Zoe Saldana...
Không chỉ vậy, nam ca sĩ da màu John Legend cũng xuất hiện trên sân khấu Oscar lần thứ 87 để trình bày bài hát “Glory” - ca khúc chủ đề của bộ phim “Selma”. Bài hát này sau đó cũng đã nhận giải Oscar cho Ca khúc trong phim hay nhất.Tuy bà Cheryl Boone Isaacs - Chủ tịch da màu đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa sắc tộc của các thành viên Viện Hàn lâm nói chung và giải Oscar nói riêng, nhưng theo một số liệu được đưa trên trang CBC News, trong số 6000 thành viên của hội đồng thẩm định thuộc Viện này, có tới 93% là người da trắng.
Trước khi lễ trao giải diễn ra, bà Cheryl Boone Isaacs phát biểu với báo giới rằng: “Trong hai năm qua, chúng tôi đã có những bước tiến lớn hơn những gì từng làm trong quá khứ để đưa Viện Hàn lâm trở thành một tổ chức đa dạng hơn và toàn diện hơn thông qua việc kết nạp thêm nhiều thành viên mới. Và cá nhân tôi rất mong muốn được thấy một sự đa dạng văn hóa cao hơn trong tất cả các ứng viên giải Oscar ở tất cả các hạng mục đề cử”.
Đồng thời, bà cũng từ chối bình luận về việc giải Oscar năm nay thiếu tính đa dạng mà chỉ nói rằng bà tự hào về tất cả các đề cử.
Trên thực tế, vấn đề thiếu đa dạng sắc tộc, giới tính của giải Oscar không phải mới được nhắc đến lần đầu. Bên cạnh những người da màu, những người gốc Á và gốc Latinh cũng không xuất hiện thường xuyên trên sân khấu Oscar. Và những đạo diễn nữ đôi khi cũng phải chịu cảnh “lép vế” trước các đạo diễn nam trong cuộc đua giành giải Oscar cao quý.
Lần gần đây nhất có một người phụ nữ nhận giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất là năm 2011, và đó là Kathryn Bigelow - đạo diễn phim "The Hurt Locker"
Post by Báo Tiền Phong.