Từ những phim tiểu sử, phim sử thi lịch sử, cho tới phim về đề tài điệp viên, về đề tài tội phạm, những cái tên được đề cử tại mùa giải Oscar năm nay có xu hướng chủ đạo là dựa trên những câu chuyện có thật.
Có những phim trung thành với những gì đã diễn ra trong thực tế, nhưng cũng có những phim chỉ dựa một phần vào thực tế, còn lại là phóng tác, và thậm chí có cả những phim hoàn toàn được kể lại bằng trí tưởng tượng dựa trên câu chuyện có thật đã từng xảy ra.
Trong những năm trở lại đây, Oscar ưa chuộng những phim dựa trên câu chuyện có thật, và những bộ phim này đã chứng minh rằng sự thật nhiều khi còn kỳ lạ và hấp dẫn hơn những câu chuyện giả tưởng.
Trước hết phải kể đến bộ phim dữ dội “The Revenant” (Bóng ma hiện về) với diễn xuất của nam chính Leonardo DiCaprio. Phim kể về câu chuyện có thật của một người đàn ông sống ở thế kỷ 19 có tên Hugh Glass và hành trình Glass vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên để “trở về từ cõi chết” và trả thù kẻ đã làm hại mình.
Phim “phóng tác” dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời Hugh Glass và đã nhận được tới 12 đề cử Oscar, trong đó có đề cử cho Nam chính xuất sắc DiCaprio, Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất - Alejandro Gonzalez Inarritu.
Bộ phim làm về đề tài tình báo, lấy bối cảnh thời Chiến tranh lạnh - “Bridge of Spies” (Người đàm phán) của đạo diễn Steven Spielberg được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất và còn được xướng tên ở 5 hạng mục đề cử khác, bao gồm Nam phụ xuất sắc cho Mark Rylance.
Chuyện phim kể về câu chuyện có thật xảy ra hồi năm 1962 và cuộc trao đổi tù nhân giữa Mỹ và Nga, trong đó, số mệnh của người phi công lái máy bay trinh thám của phía Mỹ hoàn toàn nằm trong sự thành bại của những cuộc đàm phán do một người luật sư gánh vác.
Bộ phim khiến những người nghiên cứu lịch sử tại Mỹ cảm thấy thất vọng vì phim có quá nhiều điều khác so với thực tế những gì đã diễn ra, nhưng ngay cả một phim phóng tác dựa trên sự thật, nếu được thực hiện tốt, cũng vẫn được đánh giá cao tại giải Oscar, bất kể mọi lùm xùm tranh cãi về tính chính xác của lịch sử.
“The Big Short” (Đại suy thoái) của đạo diễn Adam McKay dựa trên cuốn sách viết về những câu chuyện có thật của tác giả Michael Lewis hồi năm 2010, nội dung xoay quanh cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới hồi năm 2008. Quy tụ một dàn diễn viên toàn sao, gồm Christian Bale, Steve Carell, Ryan Gosling và Brad Pitt, phim được đề cử 5 giải Oscar, trong đó có đề cử quan trọng cho Phim và Đạo diễn.
“Room” (Căn phòng) được 4 giải Oscar, bao gồm giải cho Nữ chính xuất sắc Brie Larson. Chuyện phim được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Emma Donoghue. Dù câu chuyện này không có thật nhưng nó được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật. Đó là vụ án xảy ra ở nước Áo từng gây chấn động Châu Âu và thế giới hồi năm 2008, khi một người phụ nữ bị giam cầm và trở thành nô lệ tình dục trong suốt nhiều năm.
“Spotlight” (Tiêu điểm) kể lại cuộc điều tra của những phóng viên làm việc tại tờ báo The Boston Globe (Mỹ) nhằm lật tẩy những hành vi che giấu tội lạm dụng tình dục trẻ em của gần 90 thầy tu hồi đầu những năm 2000. Phim hiện nhận được 6 đề cử Oscar và được thực hiện dựa trên hành trình đi tìm công lý của một đội ngũ phóng viên có thật mang tên “Spotlight”.
Vậy là trong 8 đề cử ở hạng mục Phim hay nhất, thì đã có tới 5 phim được thực hiện dựa trên sự thật hoặc được phóng tác theo những câu chuyện có thật. Ở những hạng mục đề cử quan trọng khác cũng có sự hiện diện của các bộ phim “liên hệ thực tế” kiểu này.
Như phim “Steve Jobs” kể về cuộc đời và sự nghiệp của một huyền thoại trong lĩnh vực công nghệ. Với vai diễn trong “Steve Jobs”, Michael Fassbender được đề cử ở hạng mục Nam chính, Kate Winslet được đề cử ở hạng mục Nữ phụ, dù phim cũng bị chỉ trích khá nhiều vì những chi tiết không có thật trong khi phim dán mác “phim tiểu sử”.
“The Danish Girl” cũng là một phim gây chú ý, nhận được 4 đề cử Oscar, trong đó có đề cử cho Nam chính Eddie Redmayne. Chuyện phim phóng tác dựa trên cuộc đời của họa sĩ sống ở thập niên 1920 - Lili Elbe - một trong những người chuyển giới công khai đầu tiên trên thế giới.
Phim “Joy” kể về cuộc đời của Joy Mangano - một phụ nữ làm mẹ đơn thân sau khi ly hôn và đã vươn lên để trở thành triệu phú. Phim đã đem về cho Jennifer Lawrence đề cử ở hạng mục Nữ chính. Cuộc đời của nữ doanh nhân triệu phú Mangano đã được báo chí Mỹ đưa tin nhiều, với “Joy”, khán giả có thể yên tâm họ sẽ không bị nhàm chán nếu đã thuộc lòng đời tư của Mangano bởi phim có rất nhiều chi tiết khác với thực tế.
Ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất, phim “Straight Outta Compton” là một phim tiểu sử kể về hành trình trong âm nhạc của ban nhạc hip hop mang tính tiên phong trong nền âm nhạc Mỹ - NWA.
Chưa bao giờ những câu chuyện có thật hoặc dựa trên sự thật lại thống trị tại giải Oscar như năm nay. Dù thành bại của những phim này tại giải Oscar hay ngoài rạp chiếu có như thế nào, thì điều này cũng cho thấy rằng sự thật trong điện ảnh nhiều khi còn truyền cảm hứng và kịch tính hơn cả những câu chuyện được viết nên bằng trí tưởng tượng.