Ông Trump dọa vứt bỏ chính sách 'Một Trung Quốc'

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: CBS News.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: CBS News.
TP - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nói ông không thấy lý do gì mà Mỹ phải tiếp tục kéo dài chính sách “Một Trung Quốc”, trừ khi Bắc Kinh chịu thương lượng với Washington về một số vấn đề, trong đó có thương mại.

"Tôi không biết vì sao chúng ta phải chịu ràng buộc bởi chính sách “Một Trung Quốc” trừ khi chúng ta có một thỏa thuận với Trung Quốc về một số việc phải làm, trong đó có thương mại”, ông Trump nói trong buổi trả lời phỏng vấn kênh Fox News hôm Chủ nhật.

Việc Washington thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” (nghĩa là Đài Loan là một phần của Trung Quốc) trở thành nền tảng cho quan hệ Mỹ - Trung kể từ khi quan hệ này được tái lập dưới thời ông Richard Nixon và ông Mao Trạch Đông năm 1972. Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai mà một ngày nào đó sẽ được thống nhất với đại lục, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Phát biểu của ông Trump gây ra phản ứng giận dữ từ Bắc Kinh. Ông Cảnh Sảng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua phát biểu trước các phóng viên rằng, quan hệ song phương và “sự phát triển ổn định và tốt đẹp của quan hệ Trung - Mỹ” sẽ trở nên không thể nếu ông Trump quay lưng với chính sách “Một Trung Quốc”. Ông Cảnh nói: “Chúng tôi thúc giục chính quyền sắp tới và các lãnh đạo của Mỹ nhận thức đầy đủ sự nhạy cảm của vấn đề Đài Loan… để xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan Đài Loan theo cách thận trọng để không làm gián đoạn hay tổn hại lợi ích tổng thể của quan hệ song phương”. Ông Cảnh cũng khẳng định nguyên tắc “Một Trung Quốc” là “nền tảng chính trị” cho quan hệ hai nước.

Đấm rồi ôm

Tổng thống đắc cử Donald Trump đưa ra bình luận trên chỉ khoảng nửa tháng sau khi ông có cuộc nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và sau đó chỉ trích Trung Quốc trên Twitter. Nhưng sau đó, trong một bước đi được coi là nhằm xoa dịu căng thẳng, ông Trump đã bổ nhiệm Thống đốc bang Iowa, ông Terry Branstad, người mà Trung Quốc gọi là “bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, làm Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh.

Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức Asia Society ở New York, cho rằng, những phát biểu trên của ông Trump là ví vụ mới nhất nói lên những bước đi mâu thuẫn của ông Trump đối với Trung Quốc. “Đôi khi ông ấy đấm Bắc Kinh nhưng đôi khi dường như dang tay ôm. Cuộc gọi cho bà Thái Anh Văn là cú đấm. Terry Branstad là cái ôm. Giờ chúng ta lại thấy một cú đấm khác”, ông Schell nói trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn nói trên, ông Trump bảo vệ hành động gọi điện cho bà Thái Anh Văn hôm 2/12. “Tôi không muốn Trung Quốc ra lệnh cho tôi… Đó là cuộc gọi rất vui vẻ, ngắn gọn. Tại sao có nước khác có thể nói rằng tôi không thể thực hiện cuộc gọi như vậy?”, ông nói.

Tổng thống đắc cử Mỹ cũng nói lại một số vấn đề ông đã chỉ trích Trung Quốc trong khi thực hiện chiến dịch tranh cử. “Chúng ta đang bị tổn thương nghiêm trọng khi Trung Quốc hạ giá đồng tiền, đánh thuế nặng với chúng ta ở biên giới trong khi chúng ta không đánh thuế họ, với việc xây dựng một tiền đồn quy mô lớn giữa biển Đông mà đáng ra họ không được làm, và rõ ràng không giúp chúng ta chút nào trong vấn đề Triều Tiên”, ông Trump nói với Fox News.

Theo ông Nick Bisley, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH La Trobe (Úc), tín hiệu mà ông Trump đang gửi tới Trung Quốc là, chẳng có gì là cấm kị, là miễn trừ trong chính sách đối ngoại của Mỹ, dù đối với châu Á hay bất kỳ nơi nào. Ông Bisley cho rằng, những bước đi đầu tiên của ông Trump sẽ khiến lãnh đạo Trung Quốc phải vò đầu bứt tai, ngược lại với một Hillary Clinton dễ đoán hơn vì được coi là phiên bản “Obama 3.0”.

Thử phản ứng

Ông Li Yonghui, Hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Bắc Kinh, cho rằng, ông Trump đang thử Trung Quốc trước khi nhậm chức vào tháng sau. “Những điều này phù hợp với logic của một doanh nhân. Nhưng trong vấn đề này, ông ấy thực sự đã đi sai hướng. Nếu ông ấy không hiểu bản chất của vấn đề Đài Loan thì sớm muộn gì cũng phải hiểu. Đài Loan không giống những vấn đề khác. Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong vấn đề Đài Loan”, ông Li nói. “Nếu Mỹ muốn thay đổi chính sách “Một Trung Quốc”, họ sẽ làm rung chuyển nền tảng của quan hệ Trung - Mỹ. Hậu quả rất khó tưởng tượng”, vị học giả Trung Quốc cảnh báo.

Trong một bài xã luận đăng hôm qua, Global Times (Thời báo Hoàn cầu) thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, viết rằng, ông Trump “như một đứa trẻ” trong lĩnh vực ngoại giao và cảnh báo vấn đề Đài Loan “không phải để bán”. Tờ báo này cũng viết rằng, sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump sẽ khiến ông dễ bị “ảnh hưởng hay thậm chí bị thao túng bởi những người cứng rắn xung quanh mình”.

Ông Schell cho rằng, hiện nay rất khó đoán Bắc Kinh sẽ phản ứng với bước đi mới nhất của ông Trump như thế nào. “Tôi không biết Bắc Kinh sẽ làm gì với điều này vì từ trước đến nay, họ chỉ phải ứng phó với những người chuẩn mực như ông Obama hay bà Hillary Clinton vì họ luôn muốn giữ chính sách Mỹ tương đối ổn định. Còn nay chúng ta có một người đang làm theo hướng hoàn toàn ngược lại”, ông Schell nói.

Theo Theo Guardian, SCMP
MỚI - NÓNG