Ông Putin 'ra đòn' thiết lập luật chơi mới ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
TPO - Một lần nữa Tổng thống Nga Vladmir Putin đã đi nước cờ cao tay hơn ông Obama và đưa Moscow trở lại trong việc thiết lập luật chơi mới ở Syria.

Nga bất ngờ không kích ở Syria

Nga đã bắt đầu các cuộc không kích nhằm vào mục tiêu của IS tại Syria từ ngày 30/9. Các cuộc không kích diễn ra sau khi Thượng viện Nga chấp thuận một đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin nhằm sử dụng không quân để chống lại IS. 


"Một tướng ba sao Nga đi bộ tới Đại sứ quán Mỹ, thông báo rằng không quân Nga sẽ ném bom ở Syria trong vòng một giờ. Và sau đó quả nhiên Nga tiến hành không kích IS", nhiều trang báo viết. 

“Đối với Nga, một trong những mục tiêu can dự vào Syria đó là ủng hộ đồng minh và hóa giải bất đồng với phương Tây. Tuy nhiên một trong những điều dư luận lo ngại đó là cùng mục tiêu chung chống IS, nhưng cách tiếp cận khác nhau giữa Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể khiến cuộc chiến chống IS trở nên không hiệu quả. Mỹ và các đồng minh cho rằng, Tổng thống Assad cần phải từ chức trong bất cứ một giải pháp hòa bình nào.

Trong khi đó, Nga ủng hộ Tổng thống Assad và cho rằng chính phủ Syria nên là trung tâm nỗ lực quốc tế chống IS. Mỹ và các nước phương Tây lo ngại Nga đang tận dụng chiến dịch quân sự tại Syria để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Assad đối phó với lực lượng đối lập.

Có lẽ vì vậy, mà việc bên nào phải tránh xa để phía kia tác chiến đã không được đảm bảo, bằng chứng là các máy bay cường kích của Mỹ và Nga đồng loạt bay trên bầu trời Syria và ném bom, bắn tên lửa xuống mặt đất.

Mới đây thượng nghị sĩ John McCain, các chính trị gia Đảng Cộng hòa và cả xã luận báo Washington Post đều phê phán ông Obama quá thận trọng, thụ động về vấn đề Syria và không có kế hoạch cụ thể giải quyết khủng hoảng, trái ngược hoàn toàn với hành động quyết liệt, mạnh mẽ và chủ động của ông Putin.

Cũng phải thấy rằng suốt  hơn một năm qua, liên quân Mỹ và đồng minh chủ yếu không kích IS chứ không hề đụng đến quân đội của ông Assad bởi lực lượng này cũng chiến đấu chống IS.
Nỗ lực của Mỹ nhằm ủng hộ phe đối lập Syria và đào tạo các nhóm nổi dậy để lật đổ ông Assad không đạt được hiệu quả cụ thể nào.


Do đó nhiều nhà phân tích cho rằng bằng chiến dịch không kích cộng với sự hỗ trợ của Iran, Nga có thể giúp chính quyền Assad giữ được các thành phố, vùng đất chưa bị IS hoặc các nhóm nổi dậy chiếm đóng. 

Nước cờ của ông Putin

Chuyên gia Justin Bronk, đến từ Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở London (Anh) đã có những nhận định về chiến lược của ông Putin trong việc tiến hành không kích ở Syria.

Theo đó, việc Nga tăng cường hoạt động quân sự ở Syria đã làm đảo lộn kế hoạch của phương Tây trong cuộc nội chiến ở Syria, chống lại phiến quân Hồi giáo IS. Ông Putin đã khẳng định tầm ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông cũng như nỗ lực bảo vệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Không giống như việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea cũng như sự can thiệp ở miền đông Ukraine, bước đi mới nhất của ông Putin rõ ràng đã khiến phương Tây bế tắc trong việc đưa ra đối sách bởi Nga đã thể hiện rõ mục tiêu chống khủng bố.

Mức độ hiện diện quân sự ở Syria trong vài tuần qua đã cho thấy rằng, phương Tây không nên phụ thuộc vào nỗ lực chống IS của Moscow mà không hiểu rõ ý đồ thực sự của ông Putin, theo chuyên gia Bronk.

Trong vòng một năm qua, chiến dịch không kích IS của Mỹ và đồng minh cũng như hỗ trợ phe đối lập ở Syria rõ ràng đã thất bại. Nhiều quốc gia ở châu Âu đã bày tỏ hoài nghi trước cuộc khủng hoảng người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi.

Đây là cơ hội để ông Putin thuyết phục những quốc gia này trong việc chấp nhận giải pháp do Nga áp đặt nhằm ổn định tình hình ở Syria. Qua đó, lập trường của Nga về vấn đề Crimea hay miền đông Ukraine sẽ cũng sẽ được củng cố.

Nga rõ ràng không muốn sử dụng bộ binh ở Syria trong khi những đợt không kích hạn chế cũng không thể giúp quân đội Syria giành lại các vùng đất bị phe đối lập và IS chiếm đóng.

Như vậy, những gì mà Moscow giành được trong chiến dịch không kích ở Syria nằm ở hai vấn đề chính. Đầu tiên, Nga muốn đảm bảo rằng ông Assad vẫn còn nắm quyền trong tương lai gần.

Thứ hai, một loạt những chiến lược của ông Putin thời gian qua bao gồm cả việc không kích ở Syria đã cho thấy sự trở lại của Nga trên trường quốc tế. Tổng thống Mỹ Obama hay người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đều đã có cuộc gặp với ông Putin. Trong khi trước đó, Nga đã bị cô lập về ngoại giao vì cuộc khủng hoảng Ukraine.

Trên thực tế, sự hiện diện của tiêm kích đa năng Su-30 và chiến đấu cơ Su-34 tối tân ở Syria đã tạo nên sự khác biệt rõ rệt. Các máy bay này có thể kiểm soát mọi hoạt động quân sự của phương Tây nếu cần thiết, ngoại trừ máy bay tàng hình F-22 Raptors của Mỹ.

Điều này không chỉ khiến liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu buộc phải đối thoại với Nga mà sức mạnh không quân Nga cũng tạo nên mối đe dọa nhất định đối với các chiến dịch trên không của liên minh.

Các máy bay Nga cũng như tên lửa đất-đối-không triển khai ở Latakia cũng xóa bỏ mọi toan tính lập vùng cấm bay của Mỹ nhằm khống chế lực lượng không quân Syria.

Chuyên gia Bronk kết luận, với việc triển khai lực lượng quân sự và rủi ro chính trị ở mức tối thiểu, ông Putin đã khiến Tổng thống Mỹ Obama trở nên lép vế. Nga giờ đây đã trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng và có tiếng nói trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria.

Một nhà lập pháp Nga hôm nay cho biết các đợt không kích nước này triển khai ở Syria sẽ kéo dài từ ba đến bốn tháng."Ở Moscow, họ đang bàn về một chiến dịch dài từ ba đến bốn tháng dù luôn có nguy cơ bị sa lầy", đài Europe 1 của Pháp dẫn lời Alexei Pushkov, người đứng đầu ủy ban các vấn đề đối ngoại Hạ viện Nga, nói.

MỚI - NÓNG