Ông Obama “tặng quà” cho Trung Quốc

Ông Obama “tặng quà” cho Trung Quốc
TP - Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Thượng đỉnh APEC 21 ở Indonesia và Thượng đỉnh ASEAN 23 ở Brunei đã trở thành “món quà” bất ngờ dành cho Trung Quốc.

> Việt Nam là Chủ tịch Cấp cao APEC 2017
> Chủ tịch nước gặp lãnh đạo các nền kinh tế APEC

Sự cố chính phủ Mỹ đóng cửa một phần đã buộc ông Obama phải vắng mặt tại hai sự kiện quan trọng trên, để ở nhà tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị cho đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Không những thế, Tổng thống Mỹ còn buộc phải hủy bỏ chuyến công du rất được mong chờ tới 4 nước Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Philippines và Brunei khiến các nước này không khỏi thất vọng.

Thật khó chê trách ông Obama bởi đó là tình huống bất khả kháng và chắc chắn thực lòng ông không hề muốn điều đó xảy ra. Cả hai hội nghị thượng đỉnh đều diễn ra thành công, nhưng công bằng mà nói, không ai phủ nhận được thực tế sự kiện nhà lãnh đạo Mỹ không thể tham dự đã ít nhiều tạo ra cảm giác chưa trọn vẹn.

Thông thường, sự thiếu vắng hay hẫng hụt của người này lại là cơ hội của người khác. Xưa nay, tiếng nói và ảnh hưởng của siêu cường Mỹ tại các diễn đàn quốc tế là điều không phải bàn cãi. Lần này, ông Obama không có mặt đã vô tình giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin, đặc biệt là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành những ngôi sao tại Thượng đỉnh APEC năm nay. Vai trò của Trung Quốc cũng nổi bật hơn cả trên diễn đàn APEC, ASEAN, Đông Á.

Người ta đang trông chờ ở ông Obama nhiều điều. Trước tiên, Tổng thống Mỹ phải củng cố được niềm tin của các nước đồng minh và các đối tác trong khu vực về sự nghiêm túc và tính khả tín của chính sách xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã công bố chiến lược này, nhưng chủ yếu mới chỉ dừng ở những tuyên bố và kế hoạch trên giấy, còn các bước đi cụ thể, giải pháp chi tiết cũng như các nguồn lực và nền tảng hậu thuẫn chiến lược này vẫn còn chưa rõ ràng. Khi Mỹ còn đang vật lộn ra khỏi suy thoái, cuộc chiến ngân sách căng thẳng sắp đẩy nước này mấp mé bờ vực vỡ nợ thì cả đối tác lẫn đối thủ đều có quyền nghi ngờ khả năng của Mỹ. Khỏi nói Philippines mong đợi chuyến thăm của ông Obama tới mức nào, trong bối cảnh tranh chấp ở biển Đông trở nên căng thẳng.

Bên cạnh đó, một mục tiêu trọng tâm mà ông Obama luôn tập trung thúc đẩy là hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay cũng bị đặt dấu hỏi. Mỹ đang kỳ vọng sẽ lấy lại sức sống cho nền kinh tế nhờ sự khu vực kinh tế hết sức năng động này. Mặt khác, xây dựng TPP còn là công cụ đối trọng nặng ký đối với khu vực tự do thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc. Ông Obama đã bỏ lỡ cơ hội tiếp thêm động lực cho TPP dịp này.

Hiển nhiên, Trung Quốc không hề hoan nghênh chiến lược cân bằng châu Á của Mỹ, họ cũng nhìn TPP với cặp mắt nghi kỵ, cho rằng Mỹ đang cố gắng kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Một số học giả thế giới nhận định, Trung Quốc cùng với sức mạnh kinh tế, quân sự đang lên đã cố gắng lặp lại chủ nghĩa Monroe nhằm hất Mỹ khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Rõ ràng, Trung Quốc đã tận dụng cơ hội lúc lưỡng đảng Mỹ bận đấu đá để tranh thủ mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Hậu duệ Tôn Tử đang thực hiện khá nhuần nhuyễn kế sách “viễn giao cận công”. Trong khi tỏ ra cứng rắn với Nhật Bản và Philippines, thậm chí không mời Tổng thống Philippines dự hội chợ quốc tế ở Nam Ninh, ông Tập Cận Bình lại nồng hậu thăm Indonesia và Malaysia. Hai quốc gia này không những có vị thế địa chính trị chiến lược, mà còn là đối tác thương mại lớn và nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào cho nền kinh tế Trung Quốc.

Những cuộc tấn công hấp dẫn về thương mại, đầu tư đã phần nào khỏa lấp các hồ sơ nổi cộm như tranh chấp ở biển Đông, biển Hoa Đông. Chỉ riêng chuyến thăm Indonesia vừa qua, hai bên đã ký các hợp đồng lên tới 32 tỷ USD. Bằng cam kết nâng kim ngạch thương mại ASEAN-Trung Quốc lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020, không nước nào muốn bỏ lỡ chuyến tàu thành công Trung Quốc đang mời gọi.

Vì thế, nước Mỹ và ông Obama có lý do để tiếc nuối.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG