Ông Obama làm khó Quốc hội Mỹ

Ông Obama làm khó Quốc hội Mỹ
TP - Quốc hội Mỹ sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 9/9 (giờ Mỹ), tập trung thảo luận tình hình Syria và đề xuất tấn công quân sự của Tổng thống Barack Obama.

> Tổng thống Obama không đi xe Nga
> Iran sẽ 'ra đòn' nếu Mỹ tấn công Syria

Với việc Chủ tịch Hạ viện John Boehner, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Eric Cantor và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cùng tuyên bố ủng hộ ông Obama, tiếp đó là Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua dự thảo nghị quyết tấn công Syria, phải chăng Quốc hội Mỹ ngả dần về phía Tổng thống?

Như để tăng thêm tính thuyết phục cho chủ trương quân sự chống Syria, chính quyền ông Obama sẽ trình chiếu tại phiên điều trần trước Hạ viện các đoạn video về cuộc tấn công hóa học ở Syria, được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng, “lay động người Mỹ”, giúp thuyết phục Quốc hội, người dân Mỹ cần phải tiến hành một cuộc tấn công trừng phạt Syria.

Dự kiến, ngày 10/9, ông Obama có bài phát biểu trước dân chúng Mỹ về vấn đề Syria, cụ thể là Mỹ cần sử dụng vũ lực để ngăn chặn tấn công vũ khí hóa học vào đất nước trong tương lai, Syria không phải là một Iraq hay Afghanistan khác…

Không ít ý kiến cho rằng, việc xin ý kiến Quốc hội của Tổng thống Obama nhằm thực hiện ý đồ “chia lửa” với Quốc hội về cuộc chiến chống Syria. Từ chiến tranh Iraq cho thấy, Mỹ có thể dễ dàng phát động tấn công, nhưng phải rất khó khăn, tới hơn 10 năm, mới có thể rút chân ra khỏi cuộc chiến này.

Với chiến trường Syria cũng vậy, đây là nơi tụ hội của nhiều lực lượng vũ trang, trong đó có cả các tổ chức thuộc mạng lưới khủng bố al-Qaeda, nên sự can dự của Mỹ được dự báo ẩn chứa nhiều nguy cơ. Với việc “đá quả bóng” cho Quốc hội, ông Obama không muốn một mình gánh vác trách nhiệm trong việc phát động thêm một cuộc chiến tranh cho nước Mỹ.

Tuy vậy, 24 tiếng trước giờ G, xuất hiện nhiều thông tin cho rằng, Tổng thống Obama có thể vẫn sẽ phát lệnh tấn công Syria, dù nghị sĩ lưỡng viện bỏ phiếu chống. Trên thực tế, Đạo luật Yêu nước (ra đời sau sự kiện 11/9) cho phép Tổng thống Mỹ, trên cương vị là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ, được phép ra lệnh tấn công bất cứ quốc gia nào đe dọa an ninh nước Mỹ.

Đặt trong bối cảnh Mỹ và chính phủ nhiều quốc gia đồng minh không tìm được tiếng nói chung trong mặt trận chống Tổng thống Syria, đặc biệt là sự phản ứng mạnh mẽ của Nga, việc bỏ phiếu tại Quốc hội chỉ nhằm giúp ông Obama định hình rõ hơn quy mô và tính chất cuộc chiến chống Syria.

Thứ nhất, nếu Quốc hội bỏ phiếu chống, Tổng thống Obama có thể tính đến bài toán can thiệp quân sự một cách có “giới hạn và cân xứng” như kế hoạch đề ra ban đầu, tức là từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc vỏn vẹn trong 3 ngày.

Thứ hai, nếu Quốc hội biểu quyết thông qua, một cuộc chiến tranh tổng lực vào Syria sẽ diễn ra. Và đây mới là mục đích chính của ông Obama. Không ngẫu nhiên, sau khi đón nhận các tín hiệu tích cực từ lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, từ Nga, nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20, ông Obama lập tức chỉ đạo Lầu Năm Góc nâng số mục tiêu tấn công quân sự chống lại Syria từ 36 lên 50, “nhằm ngăn chặn và hạn chế hơn nữa khả năng sử dụng vũ khí hóa học của Damascus”.

Với những diễn biến trên, có vẻ như ông Obama đã đặt Quốc hội Mỹ vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, nơi mà thanh danh và danh dự của tổng thống nước Mỹ trước thế giới được quyết định qua lá phiếu tại Quốc hội. Nói như Thượng nghị sĩ John McCain và Lindsey Graham, hai thành viên của Ủy ban Quốc phòng Thượng viện, “thanh danh của Tổng thống và cả nước Mỹ sẽ bị hủy hoại nếu Quốc hội không thông qua đề xuất của ông Obama”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG