Theo bản cáo bạch, Tổng Công ty Dược Việt Nam (Vinapharm) hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế... và là một trong 3 đơn vị được Bộ Y tế cho phép tiến hành nghiên cứu tương đương sinh học với năng lực nghiên cứu khoảng 20 đề tài nghiên cứu/năm.
Ngoài ra, Tổng Công ty là đơn vị đầu mối của Bộ Y tế thực hiện việc cung ứng thuốc trong các trường hợp khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh…).
Hoạt động đầu tư vào công ty con, công ty liên kết mang lại phần lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của Vinapharm. Trước cổ phần hóa, Tổng Công ty đầu tư vốn tại 4 công ty con, 11 công ty liên kết và đầu tư tài chính dài hạn tại 8 công ty khác. Giá trị đầu tư của Tổng Công ty vào các công ty con, công ty liên kết theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp là 1.547 tỷ đồng.
Vinapharm hiện đang quản lý quỹ đất 'khủng' lên tới 9.869,2 m2 với hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội như tại 95 Láng Hạ, quận Đống Đa; 60B Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân; 178 Điện Biên Phủ và 126A Trần Quốc Thảo (Quận 3, TP Hồ Chí Minh)...
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Vinapharm ước đạt doanh thu từ 258 tỷ đến 1.559 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 41,2 tỷ - 115,7 tỷ đồng; tỷ lệ trả cổ tức 2-4%. Tại thời điểm 31/12/2013, giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại Vinapharm cùng Trung tâm Dược mỹ phẩm đạt hơn 2.370 tỷ đồng.
Theo đó, tại phiên IPO tới đây, Nhà nước vẫn sẽ nắm giữ 154 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ. Người lao động trong Tổng Công ty và nhà đầu tư chiến lược lần lượt được mua 103.000 cổ phần và 40,2 triệu cổ phần. Lợi nhuận sau thuế trong 3 năm của Vinapharm lần lượt đạt 80,7 tỷ đồng; 136 tỷ đồng và 129 tỷ đồng.