Ông lão mù sửa khóa, chơi đàn thành thục

Bị mù mắt từ năm lên 7 tuổi, ông Dương học nghề sửa khóa để kiếm sống, lấy tiếng đàn bầu giải tỏa nỗi niềm những lúc rảnh rỗi.

Ông Phan Văn Dương (77 tuổi) sống cùng vợ trong căn nhà nhỏ ở xóm Long Sơn, xã Đức An, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Cuộc đời ông là những chuỗi ngày đầy bi kịch, niềm vui, nỗi bất hạnh đan xen.

Ông Dương là con cả trong gia đình nông dân nghèo. Lên 7 tuổi, khi đang chuẩn bị vào lớp 1 thì đôi mắt đang sáng của ông bỗng mắc bệnh viêm màng bồ đào. “Hồi đó gia đình khó khăn, không có tiền đưa đi viện, chỉ lấy thuốc của các thầy lang về uống. Một thời gian sau thì đôi mắt tôi mờ hẳn”, ông Dương kể.

Vài năm sau đó, bố mẹ ông bị bệnh rồi lần lượt qua đời, để lại ba con thơ. Với trách nhiệm anh cả, ông Dương phải lo toan mọi việc. Hơn 10 tuổi, ông ra thị trấn Đức Thọ xin làm bún, đan áo tơi thuê lấy tiền nuôi hai em ăn học.

Lên 17 tuổi, ông suy nghĩ, những nghề mà mình đang làm không ổn. Một người mù, cần phải học một nghề gì đó dài hơi để thuận tiện cho quãng đời sau này. Ông mò mẫm, tích góp tiền lặn lội từ Hà Tĩnh vào Nam, rồi lại ra các tỉnh phía Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng làm thuê, học hỏi một nghề phù hợp.

Nhiều lần bôn ba, học một số nghề như thợ mộc, khắc chữ nhưng không thành công, ông quyết định học nghề sửa khóa. Theo ông, nghề này thời bấy giờ khá thịnh ở Hải Phòng, từ hộ gia đình cho tới các cơ quan công sở ai cũng cần.

Ông lão mù sửa khóa, chơi đàn thành thục ảnh 1

Ông Dương mò mẫm chinh phục các loại khóa hỏng. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress

Ý tưởng là vậy, nhưng để thực hiện không hề đơn giản. Đôi mắt bị mù, đi lại khó khăn, tới đâu xin học việc ông cũng bị từ chối. “Người ta bảo mắt sáng còn khó học, huống hồ là mù. Tôi chạnh lòng và buồn, nhưng không nản chí. Vài ngày sau tự cầm hai ổ khóa hỏng tới một cơ sở đưa cho họ sửa, sau đó về tháo tung khóa ra, nghiên cứu cách sửa”, ông Dương nói.

Sau lần “học mót” từ hai chiếc ổ khóa hư, ông mua thêm một số ổ khóa mới, về tự tháo tung ra rồi lắp lại để nắm quy luật vận hành của khóa. Tiếp đến, ông tìm các ổ khóa hư hỏng khác để sửa, khoảng 5 tháng thì sửa thành thạo hầu như mọi loại khóa. Học xong, ông trở về quê hành nghề tại nhà.

Thời gian đầu, thấy ông Dương treo biển sửa khóa, người trong làng ngạc nhiên, họ tò mò tới xem với đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, ông sẽ sửa ra sao. Kết quả tất cả mọi người phải thán phục, từ việc cắt chìa, cho tới sửa những ổ khóa hư hỏng, hoen rỉ lâu ngày ông đều làm rất nhanh gọn. Cảm phục trước nghị lực của chàng trai trẻ, mọi người thường xuyên đưa khóa tới sửa, đồng thời thông báo tài nghệ của ông tới các vùng lân cận.

Nhờ có nghề sửa khóa, ông nuôi được hai người em khôn lớn, trưởng thành. “Ngày ấy mỗi lần sửa, tôi lấy khoảng 1-2 hào, nay thì khoảng 10 đến 15 nghìn đồng. Nhiều gia đình khó khăn, tôi sửa miễn phí cho họ”, ông cho hay.

Cụ ông cho biết thêm, nhìn qua thì thấy nghề sửa khóa có vẻ đơn giản, nhưng khi thực hiện thì vô cùng phức tạp. Bản thân ông hồi mới học nghề đã phải mày mò rất lâu, có nhiều ổ khóa bị hoen rỉ nặng, ông thức trắng đêm tháo tung khóa, nhặt từng viên bi, mài dũa, tìm quy luật vận hành để đưa ra phương án sửa.

“Muốn học và sửa được khóa cần phải kiên trì, tập trung, không được sao nhãng. Nếu đang sửa khóa mà nghĩ tới một vấn đề nào khác thì rất khó thành công”, ông Dương chia sẻ.

Bà Lan (68 tuổi, hàng xóm) cho hay, nhiều năm nay ông Dương luôn là người sửa khóa cho gia đình. “Bất cứ loại khóa nào cũng không thể làm khó được ông ấy. Mọi người trong làng, ngoài xã luôn cảm phục trước nghị lực, tài năng của người đàn ông này”, bà Lan nói.

Ngày thanh niên, mỗi khi rảnh rỗi, ông Dương học đánh đàn bầu, rồi lấy nó làm bạn trong những lúc cô đơn. Tiếng đàn lúc trầm, lúc bổng, khi thì du dương thánh thót, hội tụ nhiều cung bậc cảm xúc như chính cuộc đời của ông. Nhiều người khi nghe ông đàn đã không cầm được lòng, trong số ấy có cô thôn nữ Tạ Thị Thúy vì mê tiếng đàn đã tình nguyện nâng khăn sửa túi cho chàng trai mù.

Ông lão mù sửa khóa, chơi đàn thành thục ảnh 2

Mỗi lúc có tâm sự, ông thường gảy đàn bầu để giải tỏa nỗi niềm. Ảnh: Đức Hùng/VnExpress

Nay đã hơn 70 tuổi, nhớ về kỷ niệm xưa, bà Thúy cười hiền kể ngày ấy cả gia đình rất mến ông Dương. “Ông ấy cũng rất thích tôi, nhưng qua nhiều lần trò chuyện, ông tâm sự bản thân bị mù, nếu lấy nhau về sợ vợ sẽ khổ. Tôi đáp rằng dù thế nào cũng tình nguyện theo ông đi hết quãng đời”, bà Thúy nói và cho hay khi lấy nhau về bà luôn ủng hộ nghề sửa khóa của chồng, thỉnh thoảng nếu có người gọi đi sửa ở xa, bà lại đưa ông đi.

Hạnh phúc mỉm cười khi bà Thúy lần lượt sinh cho ông 5 người con (ba trai, hai gái). Hơn 50 năm bên nhau, con cái của hai vợ chồng già bây giờ đã trưởng thành, lập gia đình, cuộc sống khá giả.  

Ông Võ Văn Thám, nguyên Bí thư xã Đức An cho biết, sự nỗ lực, cố gắng vượt qua nghịch cảnh của ông Dương xứng đáng là tấm gương cho mọi người noi theo. “Với một số đóng góp cho địa phương, ông Dương từng nhiều lần được huyện và tỉnh tặng bằng khen”, ông Thám thông tin.

Hiện tại, ngoài sửa khóa, ông còn làm thêm nghề đan rổ, thúng để vợ đi chợ bán. “Tôi chỉ muốn trời cho thêm sức khỏe để đỡ đần vợ, phục vụ cho những ai cần tới nghề của mình”, ông nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
Đổ vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải vào trường học, khu dân cư
TPO - Hàng nghìn khối vật chất nạo vét lẫn đầy bùn thối, rác thải nhựa, đá tảng, bê tông thải loại từ khu vực đập La Ỷ (cạnh sông Hương đoạn qua phường Phú Thượng, TP. Huế) đổ vào sân bóng, khu dân cư, trường học, gây nguy cơ biến đổi hiện trạng sử dụng đất, làm ô nhiễm môi trường...